Sai lầm khi tự ý phun hóa chất
Lo sợ bệnh SXH có thể diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã tự nghĩ cách phòng bệnh riêng. Lợi dụng tâm lý này, một số công ty đã tung ra một loạt các sản phẩm diệt muỗi như đèn hút muỗi, lưới đuổi muỗi, máy đuổi muỗi bằng sóng siêu âm, thuốc diệt muỗi… hoặc các hóa chất được pha chỉ cần phun 1 lần có thể phòng bệnh cả mùa. Những thiết bị này được quảng cáo rầm rộ có diệt được muỗi và nhiều loại côn trùng khác như kiến, gián, thậm chí cả chuột ở mọi ngõ ngách, hóa chất chỉ cần phun 1 lần có thể phòng bệnh cả mùa.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Nguyễn Công Tảo, Trưởng khoa Xử lý bệnh Sốt rét – Ký sinh trùng – côn trùng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, hiện chưa có bất kỳ một loại máy chuyên dụng nào có thể diệt muỗi triệt để. Các loại máy diệt muỗi – diet muoi được bày bán la liệt trên thị trường hiện nay thực chất chỉ có tác dụng đuổi muỗi, cản muỗi, dụ hoặc thu hút muỗi về phía ánh sáng đèn do muỗi là vật thích hướng quang, ánh sáng. Trong khi đó, các thiết bị sử dụng sóng điện từ tần số cao lại ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh của người, đặc biệt là với trẻ em, phụ nữ có thai.
Còn việc phun hóa chất chỉ có tác dụng dập dịch cả một vùng. Việc từng nhà dân tự ý mua hóa chất về phun sẽ không có tác dụng, vì muỗi có thể bay từ nhà này sang nhà khác. Chưa kể, việc pha hóa chất không theo chuẩn, pha quá loãng sẽ không diệt muỗi hiệu quả còn pha quá đậm, tăng liều khiến mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm gia tăng tình trạng muỗi kháng hóa chất.
Mất thói quen ngủ màn
Để đối phó với bệnh người dân chỉ chăm chăm thực hiện các phương pháp đắt tiền như phun hóa chất, sắm máy diệt muỗi mà lãng quên đi cách phòng ngừa đơn giản, hiệu quả là mắc màn khi ngủ và thường xuyên vệ sinh bể chứa nước ăn của gia đình. “Hiện rất ít hộ gia đình, đặc biệt ở các đô thị, thành phố mắc màn khi ngủ”, tiến sĩ Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương, cho hay.
Khảo sát, tại khu vực dọc cầu Băng Ki (Bình Thạnh, TP.HCM), có đến hàng trăm ngôi nhà tạm bợ, san sát được cất lên trên dòng nước đen sì, chứa đầy rác, người dân cũng không có thói quen mắc màn khi ngủ. Anh Lê Văn Kiệt – một người dân sống tại đây, chia sẻ: “Mở máy quạt vù vù là đuổi được muỗi rồi, mắc mùng nóng làm sao ngủ được”. Tại Hà Nội, cũng có nhiều gia đình bỏ qua thói quen mắc màn khi ngủ. Mặc dù theo tiến sĩ Khoa, muỗi gây bệnh SXH ngày càng khỏe và kháng nhiều loại hóa chất, chúng có có thể đốt và gây bệnh bất kỳ lúc nào trong ngày.
Bỏ quên thói quen mắc màn khi ngủ, nhiều người dân còn không có thói quen đậy nắp các thùng chứa nước hoặc diệt bọ gậy. Hiện, hầu hết các hộ dân sống dọc các nguồn nước tù, hôi thối quanh năm như kênh Nhiêu Lộc, TP.HCM hay sông Tô Lịch, Kim Ngưu (Hà Nội) cho biết từ đầu năm đến nay chưa diệt bọ gậy trong bể nước. Rất ít nhà diệt, nhưng phải một năm, thậm chí 2, 3 năm mới diệt một lần.
Trong khi đó, tiến sĩ Phạm Thị Khoa cảnh báo, nhiều người dân lầm tưởng muỗi chỉ thích trú ngụ, sinh sôi nảy nở ở vũng nước, cống rãnh bẩn, nơi ẩm thấp nên chỉ diệt muỗi tại khu vực đó. Trong khi, muỗi gây bệnh SXH chỉ sống ở vùng nước sạch. Thậm chí, ngay cả vũng nước đọng từ máy điều hòa chảy xuống cũng là nơi trú ngụ ưa thích của muỗi gây bệnh SXH. Do đó, người dân cũng cần phải chú ý lau chùi các vũng nước đọng từ điều hòa trong nhà.