Báo Thanh Niên đã đi theo suốt theo chặng hành trình của anh Dũng – từ một người bị phá sản, nợ nần chồng chất cho đến ngày trở thành nông dân nổi tiếng nhất miền Tây với việc đi xin bản quyền sáng chế máy móc – mới thấy khâm phục khi anh không ngừng sáng tạo cải tiến chiếc máy nguyên thủy ban đầu, từ công năng đào đất hút bùn nay phát triển thành máy sên vét ao bùn, máy hút cống bùn.
Từ một nông dân chỉ biết quẩn quanh con kinh, mảnh ruộng, nay anh Dũng lên xuống máy bay, tàu lửa như cơm bữa. Hết Hà Nội lại đến Hải Phòng rồi Hải Dương. Anh nhớ nhất lần ra Hà Nội nhận giải sáng tạo, gặp các nhà nông, doanh nghiệp Hải Phòng mê tính năng máy đào đất hút bùn quá nên cứ chèo kéo bằng được anh về quê chơi. Sau chuyến tham quan đó, máy đào đất hút bùn đã có mặt tại các đầm tôm, cá Hải Phòng. Nắm bắt nhu cầu thị trường, một doanh nghiệp Hải Phòng đã thẳng thắn đề nghị Dũng mở cơ sở sản xuất máy đào đất bùn, lời lãi chia đôi, mặt bằng, giấy phép, vốn… doanh nghiệp này lo hết, Dũng chỉ có một chuyện là chế tạo máy. Lại nữa, mới đây khi máy đào đất hút bùn được trao giải nhì tại hội thi sáng tạo kỹ thuật, một doanh nghiệp tên Q. đã có mặt ở Duyên Hải, tham quan xem xét khá tỉ mỉ hoạt động của máy. Ông Q. đề nghị mua lại kiểu dáng công nghệ sản xuất máy hút bùn với giá 100 triệu đồng kèm lời hứa khi sản xuất chỉ bán máy trong khu vực phía Bắc mà thôi. Tất cả những lời đề nghị đó anh vẫn chưa dám nghĩ đến, anh tâm sự: "Hồi tháng 7/2004 tôi gặp mấy nông dân Hải Dương, mấy ổng đưa tôi về quê xem vuông tôm, ao cá rồi hỏi máy đào đất hút bùn của ông sử dụng ở khu vực này được không. Tôi trả lời là máy của tôi đào đất ở đâu cũng được. Mấy ổng khoái lắm, đặt tôi làm đâu gần chục cái". Riêng về việc xuất máy sang thị trường Campuchia, anh cho biết, khoảng tháng 3/2004, có hai nông dân ở tỉnh Tà Keo đã tìm tới tận Trà Vinh. Hỏi ra mới biết họ đang sửa sang ao, hồ nuôi tôm cá, họ tìm đến để tận mắt xem máy có hoạt động hiệu quả như báo đài thông tin, bạn bè giới thiệu hay không. Sau khi xem xong, hai nông dân này khoái quá gật đầu cái rụp mua hai máy mà không trả giá, kèo nài gì thêm. Tiếp đó đầu tháng 8/2004, ba nông dân khác ở Tà Keo cũng lặn lội tìm đến, họ nói thấy máy đào đất sên bùn do hai nông dân kia đem về hoạt động hiệu quả mới hỏi thăm rồi tìm đường tới đây. Như vậy là đến nay đã có 5 máy đào đất hút bùn được đưa sang Campuchia. Anh Dũng cho biết: "Một Việt kiều cho tôi biết là ở bên đó nông dân đang thả nuôi tôm cá nhiều lắm, chắc chắn phải cần máy cơ giới đào đất. Ông này rủ tôi hùn hạp mở trạm hay đại lý gì đó chuyên cung ứng máy hút bùn bán cho nông dân Campuchia".
"Cái đầu cha này quá giỏi, không biết nói sao. Máy sên bùn của chả hay ở chỗ hút sạch bùn non, sình bùn bị máy hút vào chạy ra theo ống dẫn chứ không bắn bay tùm tum, khi vận hành máy không phải lo động cơ phá vỡ lớp đất cứng đáy ao. Sở đang xem hồ sơ thiết kế để đưa đi dự thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc". Ông Nguyễn Quốc Dũng – Phó GĐ Sở Khoa học – Công nghệ Trà Vinh
Về phần máy hút cống bùn, ông Quốc Dũng cho biết, anh Dũng đang "nợ" sở máy này. Nguyên nhân là tháng 4/2004, anh Dũng trình bày các chi tiết chế máy hút cống bùn từ máy đào đất sên bùn. Đây là thông tin rất lý thú vì Việt Nam hiện chưa có máy hút cống bùn, việc nạo vét cống chỉ dựa vào sức người là chính. Bởi vậy khi nghe anh Dũng trình bày máy hút cống bùn thiết kế dài 5 mét, gồm phần thân và đầu máng dẫn hút sình bùn, máy được lắp đặt bánh xe di chuyển thuận lợi, sở đồng ý ngay rồi động viên: "Ông cứ nghiên cứu, kinh phí sở tài trợ dù thành công hay thất bại". Là nông dân mới chỉ đưa ý kiến ra mà được Sở tín nhiệm ủng hộ làm tới bến bất kể kết quả tới đâu là chuyện hiếm có. Đem chuyện này ra hỏi, anh Dũng trình bày: "Máy đã hoàn tất trên 89%, đáng lẽ đã đem lên sở từ lâu nhưng từ tháng 7 tới nay tôi bận quá, làm máy cho khách không kịp thở, cứ đi liên tục từ Hà Nội ra Hải Phòng, Hải Dương đâu còn chút thời gian rảnh nào".