Do mặt bằng chật hẹp, các hiệu thuốc dùng cách bảo quản nhanh gọn và rẻ tiền nhất: Hễ thuốc ẩm mốc, có sâu mọt thì đổ vào thùng phuy hoặc thùng xốp và cho lưu huỳnh vào xông. Khi mở nắp ra, hơi lưu huỳnh bốc lên nồng nặc cả khu vực, làm nhiều người bị nhức đầu, chóng mặt…
Có 2 cách xông lưu huỳnh: Đặt bột lưu huỳnh trong chảo gang, đốt lửa ở dưới để hóa chất bay hơi diệt côn trùng, vi khuẩn; thường dùng để xông thuốc hoặc nhà kho chứa thuốc. Cách thứ hai hay dùng hơn: Đặt lưu huỳnh dạng rắn trong thùng chứa thuốc, hơi lưu huỳnh tỏa ra diệt hết sâu mọt, nấm mốc. Vì đây là phương pháp dân gian nên người ta xông theo thói quen, không ai quản lý liều lượng. Chủ một cửa hiệu nửa đùa nửa thật: “Mấy thứ đó từ từ bay hơi hết, lo gì”!
Thuốc chữa bệnh thành thuốc độc
Theo thạc sĩ Trần Văn Trễ, Trưởng khoa Dược, Viện Y dược học Dân tộc TP HCM, thuốc Đông y làm từ cây cỏ, động vật và khoáng vật nên dễ hút ẩm, là môi trường thích hợp cho sâu mọt, nấm mốc phát triển. Tuy nhiên, việc xông lưu huỳnh để kéo dài thời gian bảo quản thuốc rất nguy hiểm.
Lưu huỳnh bị đốt cháy sẽ thành SO2, là chất tẩy mạnh giúp tiêu diệt được nấm mốc, sâu mọt. Tuy nhiên, trong quá trình xông, lưu huỳnh sẽ lưu lại trên thuốc làm thuốc bị cứng, thay đổi màu sắc, mùi vị và giảm hoạt chất. Ngoài ra, SO2 gặp hơi ẩm trong phổi sẽ thành H2SO3 (axit xunfurơ) – một chất ôxy hóa, ảnh hưởng đến phổi và hệ thần kinh nên rất độc với người trực tiếp bào chế thuốc.
Một chuyên gia về Đông dược cho hay, khi dược liệu bị xông, sấy thì phân tử SO2 và SO3 sẽ ngấm vào thuốc. Chúng kết hợp với H2O tạo thành axit xunfuric, kết hợp với các chất khác trong dược liệu tạo thành những tinh thể có độ bền vững cao, nếu tồn dư nhiều trong cơ thể có khả năng gây ung thư. Nhiều người uống Đông dược phản ánh thuốc bị chua, có mùi lưu huỳnh do dược liệu bị nhiễm lưu huỳnh và thuốc trừ sâu quá nhiều.
Đến nay, Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào về tác hại của lưu huỳnh trong thuốc Đông y đối với sức khỏe người bệnh, cũng chưa có quy định, tiêu chuẩn cụ thể để kiểm soát liều lượng chất này trong thuốc.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, Phòng Thí nghiệm hóa phân tích, Đại học Bách khoa TP HCM, cho biết Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ từng cảnh báo, đã có 19 trường hợp bị chết do ăn xà lách được phun SO2 để bảo quản. SO2 gây ra bệnh hen suyễn nghiêm trọng đối với số người này. Mỹ cũng khuyến cáo rằng các thực phẩm có nồng độ SO2 lớn hơn 10 ppm (mười phần triệu) phải được ghi rõ trên nhãn để người tiêu dùng biết.
Theo thạc sĩ Trần Văn Trễ, Viện Y dược học Dân tộc TP HCM, đang bảo quản thuốc bằng nhiệt độ không cần dùng đến lưu huỳnh.