Sau mỗi cơn giông, người ta thấy hàng vạn con mối từ trong ổ chui ra, rồi cất cánh bay lên trời. Có nhiều con mối bay không kịp đã bị lũ kiến bắt ăn. Những con đã cất cánh bay lên trời thì cũng bị hàng nghìn con dơi, hàng vạn con chim thi nhau đớp. Mối chẳng những làm thức ăn vô tận cho một số loài vật theo quy luật sinh tồn mà còn là đặc sản của người miền núi, người M’nông gọi là Nglăp, người Cơtu gọi là Clap.
Người M’nông bắt mối về làm sạch lông cánh, đem hấp cho chín và cho vào ít nước muối. Mối được hấp chín rồi có thể ăn liền. Nếu bắt được nhiều thì người ta đem phơi khô cất vào ống tre có nắp để dành ăn lâu ngày. Mỗi lần nấu canh bỏ vào một muỗng cho thơm hoặc là dùng một nắm mối khô giã với măng chua nấu chín ăn cũng ngon.
Khác với người M’nông, người Cơtu sau khi bắt mối về thì bỏ vào chảo rang giòn hay giã nát gói thành từng bánh để ăn dần. Người Cơtu cũng bỏ mối vào ống tre dự trữ vào lúc khan hiếm thức ăn. Dù để lâu ngày nhưng nếu bảo quản tốt, mối khô ăn cũng ngon không kém gì so với mối tươi mới bắt.
Côn trùng nói chung, con mối nói riêng là món ăn dân dã của người miền núi. Đó là món quà thiên nhiên ban tặng cho đồng bào. Ngày nay, côn trùng trở thành những món ăn đặc sản trong các nhà hàng sang trọng. Những người sành ăn mới biết thưởng thức và hiểu được giá trị dinh dưỡng của những món ăn từ côn trùng như con mối bay nhỏ xíu trên miền sơn cước.