Thực trạng các trường dân lập, tư thục hiện nay
Ông Hoàng Hữu Pha – một trong những người đầu tiên lập nên trường dân lập và tư thục cho biết, từ năm học 1999-2000 đến nay, tình hình của ngành giáo dục dân lập rất đáng lo ngại, báo động, số trường không giảm mà sĩ số học sinh giảm đi nhiều. Nguyên nhân vì mô hình bán công trong trường công, trường bán công mở rộng, trường công lập chuyển sang bán công, nên số lượng tuyển sinh cho các trường dân lập trên thực tế đã bị thu hẹp, giảm bớt rất nhiều. Điều này sẽ khó ổn định và không thể duy trì lâu tình trạng mất thăng bằng, thiếu phối hợp hài hoà giữa hệ thống công lập và ngoài công lập. Thực trạng chao đảo, nghiêng ngửa, không ổn định hiện nay của đa số các trường dân lập nguyên do chính là vấn đề sĩ số, tuyển sinh khó khăn.
Để góp phần trong bước đầu ổn định các trường tiểu học dân lập, trường trung học dân lập, đại học dân lập theo ông Pha, một số rất ít trường có thể phải tạm nghỉ vì không gánh chịu một sự lỗ lãi nặng nề mà trên thực tế phải bóp bụng gánh chịu trong những năm qua; một số trường ở gần nhau trong một địa bàn tương quan có thể liên kết tương trợ bằng hình thức hoán chuyển lớp, sáp nhập trường…
Trường Tiểu Học Dân Lập – Trường Trung Học Dân Lập – Đại Học Dân Lập
Sự trì trệ của mô hình dân lập, tư thục, theo bà Lê Thuý Hoà – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân lập Thái Bình, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cần phải xem xét rút kinh nghiệm. Về nguyên nhân chủ quan, trong công tác quản lý vẫn còn không ít trường, không hiểu vì không biết hay cố tình đã vi phạm rất nghiêm trọng những nguyên tắc: vấn đề hồ sơ, sổ sách quản lý, quy chế thi cử… Trong công tác đào tạo, bên cạnh nhiều trường quan tâm đến giáo dục đạo đức và nâng cao chất lượng đào tạo học sinh, không ít trường vì lợi nhuận trước mắt đã thu nhận học sinh một cách bừa bãi, đầu tư cho giảng dạy ít nên kết quả đoà tạo các trường này thấp, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp vào đại học kém. Một số trường để quảng cáo đã dùng nhiều phương pháp tổn hại đến học sinh như thải học giữa năm học, làm đẹp điểm để đuổi khéo sang trường bạn…
Về nguyên nhân khách quan, việc mở hệ bán công trong trường công ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường; việc mở các trường dân lập cũng chưa được quy hoạch và cân nhắc kỹ lưỡng, có những địa bàn chưa đến 1km2 có tới 4 trường dân lập; việc kiểm tra công tác quản lý các trường dân lập, tư thục chưa được nghiêm minh; thành phố chưa có chính sách cụ thể mang tính chiến lược để khuyến khích các nhà giáo, nhà đầu tư nuôi dưỡng tâm huyết, tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Tỷ lệ tuyển sinh vào các trường dân lập tăng
Theo ông Huỳnh Công Minh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT năm ngoái chỉ tiêu dân lập 7% thì năm nay 11%, tỷ lệ bán công năm ngoái 30%, nay là 23%; đã đưa 13 trường xoá hệ bán công trong trường công.
Đa số các hiệu trưởng, trưởng hội đồng quản trị, các thầy, cô có tâm huyết với các trường dân lập và tư thục đã có chung ý kiến về thực trạng phát triển không ổn định của các trường dân lập và tư thục: đầu vào của các trường "thất thường"; điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn; một số trường chưa thật nghiêm túc trong việc thực hiện quy chế chuyên môn, tuỳ tiện trong việc nhận và đuổi học sinh… Một số kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội thảo này là được đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy, đa dạng hoá các loại hình, trường lớp đáp ứng nhu cầu của học sinh, xin miễn thuế cho các trường học, được nằm trong đề án phát triển ngành giáo dục của TP.HCM đến năm 2020; thành phố sớm có chính sách khuyến khích đầu tư vào giáo dục…
Ông Minh thống nhất với các ý kiến và nói: "Hệ thống dân lập và tư thục là của tất cả chúng ta, không phải của riêng nhà đầu tư nào mà của xã hội, vậy chúng ta hãy cùng nhau phát triển, xây dựng để ngày càng tốt hơn".