Trường hợp của Công ty Nước giải khát Sài Gòn – Tribeco cho thấy sức mạnh của một thương hiệu là một trong những yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp. Những năm 1994-1995, sự tham gia thị trường của những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Pepsi, Coca-Cola đã làm cho Tribeco gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thức được nguy cơ đối với mình, Tribeco đã chuyển hướng đầu tư mạnh vào dòng sản phẩm nước giải khát không gas nhằm tránh phải đối đầu trực diện với các gã khổng lồ.
Và cũng từ thực tế kinh doanh, những người lãnh đạo công ty đã ý thức được phải xây dựng một thương hiệu mạnh. Bà Hàng Thị Ngọc, Giám đốc tiếp thị của Tribeco, nói rằng việc đầu tư đa dạng sản phẩm không những giúp công ty vượt qua khó khăn trong cạnh tranh mà còn góp phần phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, Tribeco còn tăng cường đầu tư cho hệ thống phân phối, đưa ra các chính sách ưu đãi cho đại lý như trang bị cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân viên bán hàng…
Bù lại, chính những nhà phân phối, đại lý, người bán lẻ… góp phần hiệu quả cho việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu Tribeco.
“Liệu cơm gắp mắm”
Xét ở khía cạnh quảng bá thương hiệu, bà Hàng Thị Ngọc ví von cách làm của mình như “con nhà nghèo” xây dựng thương hiệu và do vậy phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Ở các công ty có vốn nước ngoài, tiềm lực tài chính dồi dào, nên có điều kiện sử dụng nhiều hình thức quảng bá, tiếp thị ồ ạt.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam với quy mô nhỏ và vừa, thường phải chọn những hình thức tiếp thị tương đối kinh tế như tiếp thị qua kênh phân phối, tiếp thị trực tiếp đến người tiêu dùng, khuyến mãi bán hàng, tranh thủ các chương trình hỗ trợ tham dự hội chợ… Ngay cả việc quảng cáo trên truyền hình, không có nhiều doanh nghiệp có thể làm thường xuyên như các công ty có vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp đủ khả năng, “chịu” đầu tư cho việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cũng khó thực hiện được ý định này. Các chi phí này trên thực tế dù khá lớn nhưng chỉ được hạch toán trong mức 10% doanh thu. Một doanh nghiệp than rằng chỉ cần tổ chức khuyến mãi mua 10 tặng 1 là chi phí đã chiếm đến 10% doanh thu. Vì vậy lấy đâu chi phí để thực hiện những chương trình khác nhằm quảng bá thương hiệu?
Theo nhận định của các công ty tư vấn tiếp thị, ngoài chuyện ngân sách hạn hẹp thì kinh nghiệm của doanh nghiệp trong nước về xây dựng và quảng bá thương hiệu cũng không nhiều, việc đầu tư mạnh cho thương hiệu chỉ mới được quan tâm trong vài năm gần đây… Một cuộc khảo sát của Công ty Tư vấn Masso với 24 doanh nghiệp cho thấy 88% cho rằng không đủ ngân sách, 71% không biết bắt đầu từ đâu để xây dựng thương hiệu.