Mùa mưa về là khoảng thời gian thuận lợi để nấm sinh sôi và phát triển. Bệnh nấm da gây phiền toái và nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì cũng đem lại nhiều nguy hiểm. Chính vì vậy bạn cần phòng tránh và có cách chữa trị thích hợp nếu bị mắc bệnh.
1/ Nấm da thường phát triển vào mùa mưa.
Mùa mưa về là khoảng thời gian thuận lợi để nấm sinh sôi và phát triển, đặc biệt là nấm móng, nấm kẽ tay và kẽ chân, vì đây là những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nước. Bệnh nấm da gây ngứa, gây nổi mẩn đỏ, làm da bong tróc làm mất thẩm mĩ và nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì cũng đem lại nhiều nguy hiểm.
2/ Lang ben thường xuất hiện khi vào độ tuổi dậy thì
Do những thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể vào độ tuổi dậy thì nên làm cho vi nấm lang ben phát triển, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, học tập và sinh hoạt của các bạn trẻ. Vi nấm Pityrosporum Ovale chính là nguyên nhân chính gây nên bệnh này. Có 2 dạng thường gặp là lang ben màu trắng hoặc màu nâu, chúng thường gây ngứa mỗi khi trời nóng, khi người bệnh đổ mồ hôi.
3/ Nấm móng, nấm kẽ chân – nguyên nhân từ việc tiếp xúc với nước bẩn
Tiếp xúc với những nguồn nước bẩn như nước thủy sản tươi sống ở chợ, nguồn nước tràn ra từ sông suối, cống rãnh sau khi mưa ngập lụt là nguyên nhân chính gây nên bệnh nấm móng, nấm kẽ chân, hay còn gọi là nước ăn chân. Bệnh do nấm Epidermophyton floccosum gây nên, chúng làm bong vảy, làm nứt hoặc nổi mụn trắng gây ngứa hoặc đau rát khó chịu. Bệnh rất dễ lây lan ra các vùng khác.
4/ Nấm da – nếu không vệ sinh sạch sẽ rất dễ lây lan
Nấm da rất dễ lây truyền ra môi trường xung quanh, từ súc vật có thể lây sang người và giữa người với người cũng rất dễ lây sang nhau. Vì vậy chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ và không dùng chung đồ dùng hằng ngày, không nằm chung giường với người bệnh.
5/ Bệnh nấm da – nếu không trị dứt điểm sẽ rất dễ tái phát
Nấm da tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu không được điều trị dứt điểm tận gốc thì bệnh sẽ kéo dài dai dẳng và rất dễ tái phát, gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hằng ngày.
6/ Nấm da – điều trị thế nào cho đúng cách
Khi mới bị bạn nên ngâm chân thường xuyên 2-3 lần mỗi ngày với thuốc tím pha loãng theo tỉ lệ 1/10.000 (1g thuốc tím pha trong 10 lít nước ấm), sau đó lau khô và bôi các thuốc sát khuẩn như dung dịch Milian. Ngoài ra trên thị trường hiện nay còn có bán khá nhiều loại thuốc chống nấm da như Clotrimazol, Ketoconazol hay Fazol. Trường hợp bị nấm kéo dài bạn nên đến các chuyên khoa da liễu để bác sĩ giúp bạn điều trị dứt điểm.
7/ Nấm da – chúng ta có thể phòng ngừa bằng cách nào
-Phải tắm rửa sạch sẽ sau khi tiếp xúc với nước bẩn hoặc bùn, đặc biệt chú ý đến các kẽ chân.
-Giữ bàn chân khô ráo, thay vớ mỗi ngày.
-Mặc đồ thoải mái rộng rãi không quá bó ôm sát. Không mặc quần áo còn ẩm và nên lựa chọn những loại vải dễ thoát mồ hôi.
-Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân để tránh lây bệnh.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp các bạn có một cái nhìn chính xác về bệnh nấm da và có những biện pháp phòng tránh, chữa trị hợp lý để giữ gìn sức khỏe cho mình cũng như những người xung quanh.
(Theo Vnexpress)