Vào thời gian giao mùa, khí hậu thay đổi thất thường chính là lúc khiến chúng ta hay gặp những cơn trúng gió. Bệnh tưởng chừng như không nguy hại nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
1/ Biểu hiện của trúng gió
Bệnh thường có những biểu hiện như mệt mỏi, cơ thể ớn lạnh, đau nhừ cả cơ thể, kèm theo cảm giác buồn nôn, nhức đầu chóng mặt, chảy nước mũi hay đau bụng tiêu chảy. Nếu nặng sẽ gây hôn mê, chân tay co cứng.
2/ Cách chữa trị khi bị trúng gió
– Tây y: Thường cho dùng vitamin C để tăng sức đề kháng kèm theo những liều thuốc cảm.
– Đông y: Phương pháp trị bệnh hiệu quả nhất là dựa vào sức đề kháng của hệ thống miễn dịch bản thân người bệnh, cho nên khi bị trúng gió phương pháp chính là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn có ít mỡ để rút ngắn thời gian bị bệnh. Cạo gió cũng là một phương pháp tốt để làm thuyên giảm bệnh và rút ngắn thời gian bị bệnh. Lưu ý không được cạo gió cho những người đang mang thai và người bị cao huyết áp)
3/ Xử trí khi người bệnh bị ngất
Khi thấy người trúng gió bị ngất, người xung quanh phải nhanh chóng cho người bệnh ra chỗ thoáng và bấm vào vị trí 1/3 trên của rãnh nhân trung để giúp họ thoát khỏi tình trạng bất tỉnh càng nhanh càng tốt.
Sau khi bệnh nhân tỉnh lại hãy cho nằm nghiêng sang một bên với chân đặt cao hơn đầu để giúp tăng lượng máu lên nuôi não. Và đặc biệt phải cho đắp chăn kín, xoa dầu gió, tránh gió lùa và nên cho bệnh nhân ăn cháo hành, tía tô hay uống một tách trà gừng nóng để giữ ấm cho cơ thể.
4/ Cách phòng tránh
– Để phòng tránh trúng gió thì điều đầu tiên là các bạn phải giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là những chỗ dễ bị nhiễm lạnh như tai, cổ hay bàn chân.
– Chú ý khi tắm nên tránh những nơi có gió lùa và hãy lau khô người thật nhanh sau khi tắm để tránh bị nhiễm lạnh. Tuyệt đối không nên tắm quá khuya.
– Nếu phải làm việc thường xuyên trong môi trường có máy điều hòa thì bạn cần tránh luồng khí lạnh thổi ra từ máy, đồng thời thường xuyên đứng dậy vận động vai, gáy, cổ để máu huyết được lưu thông.
– Đêm cần ra ngoài nên khoác thêm áo, không nên nhậu khuya và về muộn. Không để điều hòa hay quạt máy thổi thốc vào người, cũng không nên mở cửa sổ để ngủ vào ban đêm để tránh gió. Càng không nên nằm ngủ ngay trên sàn nhà. Khi cần ra ngoài nên dậy từ từ để cơ thể dần thích nghi.
Về mùa đông, khi đang ở môi trường ấm như trong chăn hay trong nhà cần mặc thêm quần áo nếu đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh như mở cửa sổ, đi từ trong nhà ra ngoài trời… Đặc biệt, bỏ ngay ý nghĩ uống rượu cho ấm người vì cồn làm cơ thể nóng lên nhưng khi giã rượu sẽ bị lạnh.