Sức khỏe của mẹ và bé là vô cùng quan trọng trong thời gian mang thai, vì thế các mẹ bầu phải hết sức cẩn thận và chú ý đến những điều nhỏ nhặt nhất. Và một trong số đó là các bệnh nhiểm trùng, các mẹ cùng tham khảo bài chia sẻ dưới đây để có thể nhận biết được những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và có biện pháp xử lý kịp thời nhé!
1/ Nhiễm trùng nước ối
Nước ối xanh đục như lẫn mủ, có mùi hôi là những biểu hiện tình trạng nhiễm trùng ối, bé có nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung…Trong trường hợp, mẹ bị viêm nhiễm đường sinh dục trước hoặc trong thời kỳ mang thai, không được điều trị dứt điểm đúng cách, vi khuẩn có thể xâm nhập, gây viêm màng ối, khiến màng ối có thể vỡ ra trong bất kỳ thời gian nào của thai kỳ. Bé sinh trong tình trạng vỡ ối non, nhiễm trùng ối sẽ rất khó cứu sống. Nhiễm trùng ối còn gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của sản phụ.
Mẹ cần chú ý nếu bị rỉ ối, màng ối mòn dần, cảm giác như bị són tiểu. Nếu thấy vùng kín thường xuyên ẩm ướt, mẹ nên đi khám hoặc hỏi ý kiến của bác sỹ chuyên khoa phụ sản. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, bác sỹ sẽ phải theo dõi liên tục, siêu âm khối lượng ối, lấy dịch ối để kiểm tra xem có phải rỉ ối không và có hướng điều trị kịp thời.
2/ Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là khi vi khuẩn xâm nhập bàng quang hay thận và sinh sôi nẩy nở rồi gây nhiễm khuẩn cho nước tiểu, cuối cùng ảnh hưởng nghiêm trọng đến từng cơ quan của hệ tiết niệu. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai, nó thường xuất hiện vào đầu tháng thứ tư của thời kỳ mang thai, nếu nhiễm khuẩn này không được điều trị ngay, vi khuẩn có thể lan đến thận qua đường niệu quản gây viêm thận bể thận sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Người mẹ dễ bị choáng, sốc nhiễm khuẩn gây suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp, suy thận cấp… thai nhi dễ bị suy thai, đẻ non… Bệnh cảnh này thường gặp trên người có tiền sử viêm thận – bể thận do sỏi, có viêm bàng quang do sỏi, hoặc dị dạng đường tiết niệu từ trước khi mang thai mà không biết nay mới có điều kiện bộc lộ ra ngoài.
3/ Nhiễm trùng Cytomegalovirus (CMV)
Cytomegalovirus (CMV) là virus thường gặp và hầu hết mọi người đều bị nhiễm. Một khi đã xâm nhập cơ thể con người, CMV sẽ tồn tại trong cơ thể. Do có nhiều chủng CMV nên người ta có thể bị nhiễm CMV nhiều lần.
Nguy cơ nhiễm CMV qua tiếp xúc thường ngày là rất thấp. CMV chỉ có thể lây truyền từ người nhiễm sang người lành khi tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh: nước tiểu, nước bọt, sữa..
Nhiễm CMV hầu hết không có triệu chứng, thường bệnh nhân chỉ hơi mệt mỏi thoáng qua, một số có thể sốt nhẹ, đau họng, mệt mỏi hay sưng hạch. Tuy nhiên, ở những người suy giảm miễn dịch và phụ nữ có thai, nhiễm CMV gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiễm CMV ở phụ nữ đang mang thai có thể ảnh hưởng đến bào thai dẫn đến thai dị tật bẩm sinh hay các bệnh lý khác, thậm chí gây tử vong thai hay trẻ sơ sinh.
Nếu bạn bị nhiễm CMV trong thai kỳ, khả năng lây bệnh cho bào thai hơn 1/3. Trong các trẻ sinh ra bị nhiễm CMV bào thai, khoảng 1/5 trẻ bị tàn tật suốt đời như chậm phát triển tâm thần hay mất thính lực. Nếu bạn bị nhiễm CMV trước khi có thai, nguy cơ lây bệnh cho bào thai giảm xuống còn 1/100. Vì vậy nếu bạn đang có thai hay dự định có thai, hãy trao đổi với bác sĩ mối quan tâm về CMV của bạn.
4/ Nhiễm trùng Toxoplasmosis
Bệnh Toxoplasma được coi là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do nhiễm độc thức ăn tại Hoa Kỳ. Hơn 60 triệu người đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở Mỹ mang ký sinh trùng Toxoplasma, nhưng rất ít người có các triệu chứng. Bệnh Toxoplasma được coi là một trong những bệnh Nhiễm ký sinh trùng.
Nói chung, nếu một người phụ nữ đã bị nhiễm trước khi mang thai, thai nhi sẽ được bảo vệ vì người mẹ đã phát triển khả năng miễn dịch. Nếu một phụ nữ đang mang thai và trở nên mới bị nhiễm Toxoplasma trong hoặc ngay trước khi mang thai, Toxoplasma có thể truyền cho thai nhi (truyền bẩm sinh).
Khi người phụ nữ đang mang thai mới bị nhiễm Toxoplasma thì có thể đưa đến các tình huống sau:
- Sẩy thai, sanh non
- Thai chết lưu
- Trẻ sinh ra đã có dấu hiệu của bệnh toxoplasmosis
- Trẻ sơ sinh bị nhiễm trước khi sinh thường không có triệu chứng khi sinh, nhưng sự phát triển sau này trong cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng với mất thị lực tiềm năng, khuyết tật thần kinh và co giật
5/ Viêm âm đạo do vi khuẩn (Bacterial vaginosis – BV)
Những triệu chứng cho thấy phụ nữ khi mang thai đã mắc bệnh viêm âm đạo:
- Vùng âm đạo tấy đỏ, ngứa, đau và nóng rát
- Đi tiểu thường xuyên, sung hoặc tấy ở phía ngoài âm đạo
- Có dịch màu trắng hoặc ngà chảy ra từ âm đạo
Nhiều nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Bacterial vaginosis có thể gây ra sảy thai, vỡ ối non, vỡ ối sớm và tỷ lệ đẻ non cao.
Vì vậy, các mẹ bầu cần chú ý vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh nhiễm bệnh viêm âm đạo. Đặc biệt khi thấy bất kì dấu hiệu nào bất thường các mẹ cần phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám kịp thời.