Bước vào tuần thứ 15 hầu hết các mẹ sẽ không còn phải đối mặt với những triệu chứng ốm nghén, khó chịu nữa, việc ăn uống và tinh thần của mẹ dần được cải thiện, lúc mang thai 15 tuần tuổi mẹ có thể tăng thêm khoảng 5 kg so với lúc chưa mang bầu. Bên cạnh những thay đổi của mẹ, cơ thể của bé cũng có những thay đổi lớn.
Vậy những thay đổi đó là gì chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
1. Những thay đổi của mẹ và bé
– Cơ thể mẹ: Vào tuần thai thứ 15, cơ thể của mẹ bắt đầu có những thay đổi về mặt ngoại hình, mặc dù bụng chưa thật sự to nhưng những chiếc áo quần bình thường mẹ đã không thể mặc, ngực cũng tăng kích thước lên và xuất hiện thêm nhiều gân máu (tĩnh mạch). Thông thường, lúc này mẹ sẽ tăng khoảng 5 kg so với lúc chưa mang bầu.
Lượng máu lưu thông trong cơ thể tăng lên rất nhiều nên có thể làm cho nhiệt độ cơ thể mẹ tăng lên, da nóng hơn và ửng đỏ. Một số mẹ còn có thể bị chảy máu cam trong giai đoạn này bởi vì lượng máu tăng lên và mở rộng mạch máu trong mũi.
Thêm vào đó, trong giai đoạn này đa số các mẹ vẫn còn được ngủ ngon giấc do bụng chưa quá to cũng như bàng quang chưa bị chèn ép khiến mẹ phải bỏ dở giấc ngủ để đi tiểu nhiều lần như các thời kỳ sau này.
– Thai nhi: Bước vào tuần thứ 15, em bé dài khoảng 10 cm tính từ đỉnh đầu đến mông và nặng khoảng 70 gram. Các bộ phần trong cơ thể của bé có sự phát triển nhanh đáng kể so với các tuần trước. Tất cả các khớp xương và tứ chi của bé đã có thể di chuyển linh động, xương chân tay của bé dài ra nhưng xương chân của bé đang có xu hướng dài hơn xương cánh tay. Em bé cũng đã có những hành động bộc lộ cảm xúc như ngáp, nắm tay, liếc mắt, mút ngón tay, thay đổi nét mặt.
Da, tóc và lông mày của bé vào lúc này có bắt đầu xuất hiện và phát triển nhanh chóng. Da của bé rất mỏng và vô cùng mềm mại, tuy nhiên vẫn có vẻ hơi mờ nên rất dễ nhìn thấy các mạch máu thông qua lớp da mỏng đó. Tai của bé dần như ổn định nhưng vẫn thấp trên đầu.
Các vân tay của bé cũng bắt đầu hình thành trong giai đoạn này.
2. Những điều cần lưu ý khi mang bầu tuần thứ 15
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: chú ý bổ sung nhiều canxi, sắt và vitamin cho cơ thể bằng các thực phẩm như: cá, các loại thịt, trái cây, trứng, sữa… để đảm bảo đủ chất cho cả mẹ và bé.
– Nếu đã nằm hoặc ngồi trong một thời gian quá lâu, khi đứng lên mẹ cần thực hiện từ từ và nhẹ nhàng. Bởi vì nếu đứng lên một cách đột ngột, huyết áp sẽ có một khoảng hụt tự động có thể làm mẹ bị choáng váng hay ngất xỉu.
– Tập luyện các bài tập nhẹ nhàng có lợi cho mẹ và thai nhi như: đi bộ, đi bơi, yoga, kegel… Những bài tập đó vừa có thao tác nhẹ nhàng, không gây mất nhiều năng lượng, dễ thực hiện lại vừa có tác dụng tốt trong việc rèn luyện cho mẹ một cơ thể khỏe mạnh, hệ thống cơ xương dẻo dai, săn chắc, giảm phù nề và chuẩn bị sẵn sàng về cả thể chất lẫn tinh thần cho cuộc “vượt cạn” sắp tới.
– Khám định kỳ và tiêm phòng vacxin cho mẹ trong thời gian mang bầu. Nếu có các biểu hiện của các căn bệnh như thủy đậu, rubella, viêm gan B…mẹ cần đến ngay bác sĩ để được khám và xử lý kịp thời.
– Duy trì tinh thần thoải mái, tâm trạng lạc quan bằng cách nghe nhạc, đọc sách, đi dạo… để giúp bé có sự phát triển tốt nhất.
Khánh An