Mang thai là thời kì vô cùng quan trọng của một người phụ nữ, có rất nhiều điều đáng lưu ý trong quá trình mang thai để đảm bảo sự an toàn và phát triển cho cả mẹ và bé. Vì vậy, bà bầu cần biết những kiến thức quan trọng nhất để mẹ luôn khỏe mạnh và bé yêu có sự phát triển tốt nhất
1. Khám thai
Theo các chuyên gia y tế, trong suốt thai kỳ mẹ cần được khám thai ít nhất 3 lần, lần đầu sau 3 tuần chậm kinh, lần thứ hai vào 3 tháng giữa (khoảng giữa tuần thứ 15 – 19) và lần ba vào 3 tháng cuối. Tuy nhiên, nếu khám đầy đủ thì phải là 7 lần đối với một thai kỳ bình thường. Siêu âm đầy đủ giúp cho việc phát hiện kịp thời các nguy cơ gây nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi như tiền sản giật, mang thai ngoài tử cung, dọa sảy, thiếu máu, thai nhi dị tật, suy dinh dưỡng…
2. Tiêm phòng vacxin
Có rất nhiều căn bệnh có thể gây nguy hiểm bé mà mẹ cần đề phòng trước và trong khi mang thai. Một số loại vacxin mẹ cần tiêm trước khi mang thai bao gồm: Rubella, viêm gan B, thủy đậu, tiêm phòng cúm…Còn trong thời kỳ mang thai mẹ nhất định phải tiêm phòng ngừa uốn ván, viêm gan B và cúm.
Tiêm ngừa khi mang thai không chỉ giúp phòng ngừa bệnh tật cho cả mẹ và bé, mà còn giúp trẻ sinh ra khỏe mạnh, có đề kháng và khả năng miễn dịch cao.
3. Tránh bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích
Nồng độ cồn của bia, rượu tăng lên trong cơ thể làm giảm các chất giúp bảo vệ não và gây tổn thương cho não. Cafe, trà làm tăng huyết áp và nhịp tim, làm tăng tần suất đi tiểu.
Ngoài ra, các chất kích thích cũng làm giảm sữa sau sinh ở mẹ, sinh con dễ mắc chứng sứt môi, hở hàm ếch, tăng nguy cơ sinh non, sẩy thai, thai chết lưu và trí não của bé không phát triển bình thường.
4. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học
Vào thời kỳ mang thai, mẹ cần tăng cường thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt, gan, phủ tạng…và uống viên sắt/folic. Cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo,canxi, vitamin và khoáng chất bằng cách ăn các loại thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, hoa quả tươi, các loại hạt và những thực phẩm khác có lợi cho bà bầu.
Đồng thời, mẹ cần tránh ăn các loại trái cây có thể gây nguy hiểm cho thai nhi như: dứa, đu đủ xanh, nhãn, vải thiều… cùng các loại thực phẩm tái, sống và thực phẩm chế biến sẵn như sushi, mayonnaise, thịt hộp, mỳ tôm…
5. Luyện tập thể dục
Các bài tập vận động nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi… không chỉ để cơ thể mẹ được dẻo dai, khỏe mạnh trong suốt thai kỳ mà còn có tác dụng giúp mẹ thư giãn, giảm tâm lý nặng nề, tránh ốm nghén và chuẩn bị sẵn sàng cả về thể chất lẫn tinh thần cho cuộc “vượt cạn” sau này.
6. Giảm cân hợp lí trong thời gian mang thai
Trong thời gian mang thai, vì tâm lý ăn cho hai người chứ không phải cho một người mà nhiều mẹ ăn uống quá đà, dẫn đến tình trạng tăng cân quá mức cho phép. Để không tăng cân quá nhiều mẹ nên chú ý chỉ cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé, tránh ăn quá nhiều chất bổ. Mẹ nên ăn nhiều rau và trái cây kết hợp với chế độ tập thể dục đều đặn, tránh ăn kiêng để phòng tránh nguy cơ thiếu chất cho bé và khả năng mắc bệnh tim mạch cho mẹ.
7. Quan hệ tình dục an toàn
Vào thời kỳ mang thai, nhất là giai đoạn 3 tháng trở đi do sự tăng vọt estrogen và progesterone, lưu lượng máu đến ngực, âm đạo, môi âm hộ và âm vật nhiều hơn khiến ham muốn tình dục của các chị em cũng gia tăng. Theo các bác sĩ, trong thời kỳ mang thai, mẹ nên tránh các hoạt động tình dục mạnh mẽ gây ảnh hưởng tới thai nhi.
Hạ Trâm