Vàng ra là một hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh do tăng bilirubin, một sắc tố màu vàng trong máu gây ra, nó có thể ở mức độ nhẹ nhưng cũng có thể gây mức độ nặng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ gây ra nhiều biến chứng không lường tới, thậm chí là sẽ bị tử vong và bại não suốt đời.
Để tránh gặp phải những biến chứng không như mong muốn nói trên, bài viết dưới đây sẽ giúp cho các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về căn bệnh vàng da cũng như là cách chăm sóc, chữa trị đúng cách khi bé gặp phải tình trạng này, cùng tham khảo để giúp bé yêu nhà mình luôn mạnh khỏe và phát triển tốt nhất nhé!
Những dấu hiệu nhận biết bé bị bệnh vàng da
Có rất nhiều dấu hiệu để mẹ có thể nhận biết đây là chứng bệnh vàng da của bé chẳng hạn như nước tiểu có màu tối hoặc màu vàng, bởi trẻ sơ sinh bình thường thì nước tiểu sẽ không có màu hay phân nhạt màu, trong khi đó trẻ sơ sinh bình thường sẽ có phân màu vàng hoặc da cam.
Bên cạnh đó còn có những dấu hiệu rất dễ nhận biết mà mẹ chỉ cần quan sát bên ngoài như hiện tượng bé bị vàng vùng tròng trắng của mắt hay dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, đùi, lòng bàn tay, bàn chân… thấy màu vàng. Tất cả các triệu chứng đó sẽ thường biến mất khi bé được khoảng 2 tuần tuổi mà không cần phải uống thuốc.
Thông thường, trong vòng 72 giờ sau sinh, bé sẽ được thăm khám để xem xét tình trạng vàng da. Nếu như sau thời điểm này, bé nhà bạn xuất hiện tình trạng vàng da thì nên báo cho bác sĩ để được tư vấn.
Nguyên nhân gây vàng da ở bé
Trên thực tế, chứng vàng da ở trẻ sơ sinh chiếm gần 30% ở trẻ đủ tháng và chiếm đa số ở trẻ sinh non. Nguyên nhân này là do sau khi sinh, trẻ sơ sinh bắt đầu hô hấp bằng phổi và không cần đến sự trợ giúp của các hồng huyết cầu mà thay vào đó là tiến hành loại bỏ các hồng huyết cầu thừa ra khỏi cơ thể. Quá trình này làm sản sinh ra các bilirubin, một sắc tố màu vàng có trong máu trẻ.
Tuy rằng gan có chức năng loại thải các bilirubin này ra khỏi máu và chuyển ra ngoài qua đường tiết niệu của trẻ, thế nhưng gan của bé lại chưa đủ trưởng thành để lọc bỏ hết các loại chất đó. Hiện tượng vàng da sẽ thường xuất hiện khi bé được 2 tuần tuổi, khi đó gan của bé cũng đã phát triển đầy đủ và có thể loại bỏ chất bilirubin và khiến cho căn bệnh vàng da tự khỏi.
Tuy nhiên, có một số trường hợp vàng da sẽ xuất hiện sớm, có thể là trong vòng 24 giờ sau sinh. Điều này cho thấy, nguyên nhân gây vàng da là do một căn bệnh tiềm tàng nào đó đã có từ trước và cũng có những trường hợp trẻ sơ sinh có lượng bilirubin rất cao, nên cần phải được chữa trị.
Cách chữa trị bệnh vàng da
Bệnh vàng da tuy không nghiêm trọng nhưng các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý cần phải cho bé đến bệnh viện ngay nếu như chất bilirubin quá cao để tránh nguy cơ chất này di chuyển đến não và gây hư hại não.
Có ba phương pháp thường được sử dụng để điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh đó là cung cấp đủ nước và năng lượng bằng cách cho con bú hoặc qua truyền dịch, chiếu đèn, truyền máu. Trong đó, chiếu đèn là phương pháp hiệu quả nhất, bé sẽ được nằm trong lồng chiếu đèn giúp chuyển bilirubin thành một dạng dễ phân hủy, giúp gan dễ dàng xử lý.
Còn nếu như bé có nguy cơ bị nhiễm độc bilirubin cao thì bác sĩ có thể xem xét biện pháp truyền máu. Trong đó, một phần máu của bé sẽ được thay thế để giảm bớt nồng độ bilirubin. Tóm lại, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể chọn phương pháp chữa trị phù hợp hoặc kết hợp tất cả các phương pháp trên để thực hiện nhằm đưa ra kết quả tốt nhất.
Ngoài sử dụng các liệu pháp trên thì mẹ cũng nên lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nên cho trẻ ăn nhiều và bú nhiều trong thời điểm này, bởi đây là cách để bé có thể đào thải bilirubin ra ngoài cơ thể và mẹ cũng đừng quên việc tắm nắng cho bé vào mỗi buổi sáng nhé.
Yến Nhi (t/h)