Hiện tượng bé khóc đêm xuất hiện khá phổ biến khiến nhiều bà mẹ trở nên lo lắng. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này và ứng với mỗi nguyên nhân sẽ có cách phòng tránh và khắc phục phù hợp.
Bé tè dầm.
Khi trẻ tè dầm, nước tiểu sẽ khiến bé cảm thấy ướt át, ngứa ngáy và khó chịu. Chính vì thế, lúc này bé thường tỉnh giấc và khóc thét lên như một cách để thông báo với ba mẹ. Nếu gặp tình huống này, bạn chỉ cần thay tã mới cho bé và ru bé trở lại với giấc ngủ.
Bé mọc răng.
Mọc răng khiến bé bị đau ở nướu nên về đêm bé thường cảm thấy khó chịu và hay quấy khóc. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên lấy một chút đá chườm lên má bé để bé thấy dễ chịu hơn. Mặt khác, khi răng bé đã được nhú lên hoàn toàn thì bé lại có thể ngủ ngon như trước đó nên bạn cũng không cần phải quá lo lắng khi thấy bé khóc đêm do đau răng.
Bé gặp ác mộng.
Những cơn ác mộng có thể khiến bé giật mình, sợ hãi mà la hét hay khóc thét lên giữa đêm. Lúc này, bạn hãy nhẹ nhàng trấn an bé rồi từ từ ru bé ngủ trở lại.
Bé bị thiếu canxi.
Bé khóc đêm là một triệu chứng kèm theo khi con bạn bị thiếu canxi. Vì vậy, hãy luôn bảo đảm bé được cung cấp canxi đầy đủ theo từng giai đoạn phát triển.
Bé nghẹt mũi.
Khi bé bị nghẹt mũi, bé thường phải thở bằng miệng để thay thế. Điều này khiến cổ họng bé bị khô, dẫn tới ho khan và làm trẻ khó chịu. Nếu con bạn khóc đêm do nguyên nhân này, bạn cần thường xuyên vệ sinh mũi cho bé bằng muối sinh lý để giúp mũi bé thông thoáng và dễ thở hơn.
Nhiệt độ phòng không phù hợp.
Nhiệt độ phòng quá cao hay quá thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé khóc đêm. Vì vậy, bạn cần chú ý để điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho phù hợp với thân nhiệt của bé. Thông thường, ở nhiệt độ mà bạn cảm thấy dễ chịu thì đó cũng là nhiệt độ tốt cho bé. Tuy nhiên, để giữ ấm cho cơ thể còn non yếu của bé bạn nên đắp thêm chăn hoặc mặc quần áo dài cho bé khi ngủ.
Nhiều tiếng ồn.
Tiếng ồn và âm thanh quá lớn có thể khiến bé giật mình mà quấy khóc giữa đêm. Do đó, để phòng tránh tình trạng này bạn cần cho bé ngủ ở không gian yên tĩnh và cần cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất những tiếng ồn và âm thanh có thể làm bé giật mình thức giấc.
Các tác nhân dị ứng.
Một số các tác nhân như mùi nước hoa, thuốc lá, mùi sơn, phấn rôm sẩy,… có thể làm bé khó chịu và cảm thấy ngứa ngáy khi đang ngủ. Trong trường hợp này, bạn cần vệ sinh nơi ngủ của bé thường xuyên để tạo ra không gian trong lành, thoáng mát. Đồng thời, hãy hạn chế sự có mặt của các tác nhân trên trong không gian ngủ của bé.
Những vấn đề về tiêu hóa.
Khi trẻ bị dị ứng với thức ăn, bị khó tiêu, tiêu chảy hay táo bón, bé sẽ không thể ngủ ngon như bình thường. Đó là lý do mà mẹ cần phải cho bé ăn uống khoa học với những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của bé và chúng cũng cần được chế biến hợp vệ sinh để giúp bé về đêm không quấy khóc. Nếu con bạn gặp phải những vấn đề về tiêu hóa, hãy đưa bé tới gặp bác sĩ để được khám và điều trị.
Hoạt động quá mức.
Ban ngày bé vui chơi, nô đùa quá nhiều sẽ khiến hệ thống não bộ của bé còn nhiều hưng phấn ngay cả khi ngủ. Đây chính là nguyên nhân khiến bé gặp ác mộng, dẫn tới la hét và quấy khóc. Vì vậy, bạn cần chú ý chỉ để bé được vui chơi và hoạt động vừa phải vào ban ngày để bé có thể ngủ ngon hơn vào ban đêm.
Phan Mỹ