Táo bón ở bà bầu là một căn bệnh gắn liền với thời kỳ mang thai. Vì vậy, các mẹ cần nắm rõ những nguyên nhân gây ra căn bệnh này để có cách phòng tránh phù hợp.
Nguyên nhân gây ra táo bón ở bà bầu.
Do những thay đổi của cơ thể: Khi mang thai, những hormone trong cơ thể bà bầu có nhiều thay đổi. Trong đó, có những hormone mới được sinh ra khiến hoạt động tiêu hóa của bà bầu gặp nhiều bất lợi. Các hormone này có thể làm cản trở việc đào thải các chất cặn bã ra ngoài của đường ruột, dẫn tới tình trạng táo bón. Bên cạnh đó, tử cung của bà bầu to lên do sự phát triển của thai nhi cũng làm tăng áp lực lên các cơ quan tiêu hóa, khiến các mẹ dễ bị táo bón và trĩ khi mang thai.
Chế độ ăn uống không hợp lý: Một chế độ ăn uống không cân đối giữa các chất dinh dưỡng, uống ít nước, ăn thiếu chất xơ, sử dụng nhiều bia, rượu,… là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng táo bón ở phụ nữ mang thai.
Do uống sắt và canxi: Để cơ thể có thể hấp thụ những khoáng chất có trong những viên uống bổ sung sắt và canxi, bà bầu cần uống một lượng lớn nước. Tuy nhiên, không phải bà bầu nào cũng uống đủ lượng nước cần thiết này, khiến các khoáng chất không được hấp thụ làm tăng áp lực lên các cơ quan tiêu hóa. Từ đó, nguy cơ mắc táo bón ở bà bầu cũng gia tăng.
Ảnh hưởng của táo bón đến bà bầu và thai nhi.
Táo bón khiến bà bầu luôn cảm thấy khó chịu, đầy bụng, buồn nôn,… dẫn đến cảm giác ngán ăn, khiến các mẹ dễ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Hơn nữa, táo bón còn làm cho các chất độc bị tích tụ lâu trong ruột rồi hấp thu vào trong máu, có thể gây ra hiện tượng nhiễm độc mãn tính, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường của thai nhi.
Ngoài ra, khi bị táo bón, bà bầu thường phải sử dụng nhiều lực khi đi vệ sinh nên có thể làm gia tăng nguy cơ bị sảy thai.
Cách phòng tránh táo bón ở bà bầu.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Một chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều chất xơ sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa của bà bầu. Đồng thời, bà bầu cũng cần uống đủ nước (ít nhất là 2 lít nước/ngày) và tránh xa các loại thực phẩm có chứa các chất kích thích như rượu, cà phê, trà, nước ngọt,… để giúp cơ thể tránh xa táo bón.
Bên cạnh đó, bà bầu cũng nên chia nhỏ thực đơn thành 5 – 6 bữa ăn/ngày và phải ăn chậm, nhai thật kỹ khi ăn.
Tập thể dục thường xuyên: Một chế độ sinh hoạt ít vận động sẽ làm tình trạng táo bón ở bà bầu thêm trầm trọng. Do vậy, bà bầu cần tập thể dục thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đạp xe, bơi lội hay dạo bộ. Nếu tính chất công việc của bà bầu buộc phải ngồi nhiều thì bà bầu nên tranh thủ đứng dậy và đi lại xung quanh sau 1 – 2 giờ làm.
Đi vệ sinh đều đặn: Bà bầu nên tạo thói quen cho cơ thể đi vệ sinh vào những thời điểm nhất định trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng. Đây là phương pháp phòng tránh táo bón ở bà bầu rất hiệu quả.
Anh Thi