Đồ chơi an toàn luôn là tiêu chí hàng đầu khi ba mẹ chọn mua đồ chơi cho con. Vậy làm sao để chọn được đồ chơi an toàn đối với sức khỏe và sự phát triển của bé? Bài viết dưới đây sẽ trả lời thắc mắc này cho bạn.
Đồ chơi an toàn về chất liệu.
Trên thị trường đồ chơi hiện nay, đồ chơi được làm từ nhiều chất liệu khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là đồ chơi làm từ nhựa và từ gỗ. Khi mua đồ chơi nhựa, ba mẹ nên chọn đồ chơi có chất liệu nhựa nguyên sinh hoặc nhựa an toàn với sức khỏe trẻ nhỏ. Tức là trong thành phần của nó không chứa hoặc chứa rất ít các chất độc hại như thủy ngân, chì, asen, phthalate,…
Đồ chơi gỗ được coi là đồ chơi an toàn với trẻ hơn đồ chơi nhựa. Tuy nhiên, ba mẹ vẫn cần cẩn thận khi mua cho bé loại đồ chơi này. Bạn nên mua loại đồ chơi gỗ không được sơn hay phủ bởi bất kỳ loại chất hóa học nào.
Riêng với các loại thú nhồi bông, ba mẹ cần mua cho bé loại không bị đổ lông để tránh làm ảnh hưởng xấu đến hô hấp của bé.
Đồ chơi an toàn về hình dáng và kích thước.
Nếu đồ chơi quá lớn có thể gây khó khăn cho bé trong quá trình chơi thì đồ chơi có kích thước quá nhỏ có thể gây nguy hiểm cho bé. Trẻ em thường có thói quen ngậm đồ chơi trong miệng, vì vậy trẻ dễ bị hóc hoặc nghẹn nếu đồ chơi quá nhỏ. Do đó, hãy chọn cho bé những đồ chơi có kích thước phù hợp, tránh mua những loại nhỏ, dễ bị tách rời, vỡ và hư hỏng.
Mặt khác, đồ chơi phải có bề mặt nhẵn, không được sắc, nhọn để tránh gây thương tích cho bé khi chơi.
Đồ chơi an toàn về điện, điện từ.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, rất nhiều loại đồ chơi lắp pin, nam châm và điều khiển từ xa ra đời. Các bậc phụ huynh nên cân nhắc khi mua cho con loại đồ chơi này vì dù nó dễ tạo hứng thú, kích thích trẻ vui chơi nhưng lại tiềm ẩn khá nhiều nguy hiểm. Ánh sáng của đèn LED, Laze trên các món đồ chơi này không tốt cho thị giác của trẻ và chất liệu để làm ra nó thường có chứa các chất độc hại như thủy ngân, chì, crom,… Không những thế, nếu bé nuốt phải pin hay nam châm được gắn trên đồ chơi thì sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Đồ chơi có gắn pin hay nam châm còn có khả năng gây cháy nổ cao. Nếu con bạn thật sự muốn có đồ chơi này, bạn hãy đọc thật kỹ các tiêu chuẩn về điện, điện từ và nguy cơ cháy nổ ở trên nhãn mác của đồ chơi trước khi đưa ra quyết định mua nó cho bé.
Đồ chơi an toàn về âm thanh.
Trẻ em có thính giác khá nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi nghe âm thanh quá lớn. Bởi vậy, với những món đồ chơi phát nhạc hay có còi, bạn cần chú ý chọn mua những loại phát ra âm thanh nhỏ hoặc ở mức độ vừa phải. Trước khi cho con chơi, bạn cũng nên điều chỉnh mức độ âm thanh của đồ chơi sao cho phù hợp với bé.
Đồ chơi không mang tính bạo lực.
Súng nước, kiếm hay gươm bằng nhựa có khả năng gây thương tích cho bé và mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, khi chơi loại đồ chơi này, bé dễ hình thành những tư tưởng xấu, tiêu cực, không tốt cho quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, đồ chơi mang tính bạo lực không nên xuất hiện trong tủ đồ chơi của bé.
Ngoài ra, để mua được đồ chơi an toàn cho con, ba mẹ nên chú ý đến thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ của đồ chơi và luôn chọn đồ chơi phù hợp với từng độ tuổi của bé.
Nhật Thanh