Việc học cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh là hết sức quan trọng đối với những ai lần đầu làm mẹ. Trong thời gian đầu tiên khi tiếp xúc với trẻ, bạn sẽ hơi “căng thẳng” và bỡ ngỡ trước những “tín hiệu không lời” của chúng. Đừng quá lo lắng, bạn sẽ quen dần với nhu cầu của trẻ và đáp ứng đúng lúc khi trẻ cần. Để làm được điều đó, trước tiên bạn phải học một số cách chăm sóc trẻ sơ sinh ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ.
1. Cách bế trẻ sơ sinh
Một trong những kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh đầu tiên mẹ cần học đó là cách bế trẻ, vì lúc này xương bé còn mềm, cổ chưa đủ cứng cáp để có thể giữ cố định. Mẹ dùng một tay đỡ phần cổ của bé, tay còn lại nâng người bé và để bé nằm dọc, song song với cơ thể mẹ. Đặt bé trên vai mẹ. Một tay mẹ dùng để đỡ cổ và đầu bé, tay còn lại làm chỗ tựa hông và mông cho con.
2. Cách cho trẻ sơ sinh bú
Hãy cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời, vì sữa bé chính là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất dành cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ giúp trẻ dễ tiêu hóa và có chứa nhiều kháng thể giúp bé chống lại tác nhân gây bệnh. Mẹ nên chia cữ bú thường xuyên, khoảng 1,5 – 2 tiếng một lần trong vài tuần sau sinh vì lúc này dạ dày bé còn khá nhỏ. Mẹ cũng cần vệ sinh bầu vú sạch sẽ trước và sau khi cho bé bú bằng cách dùng khăn mềm nhúng nước ấm, rồi lau sạch bầu vú.
3. Cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh ợ hơi sau khi bú
Trẻ sơ sinh thường bú nhiều lần trong ngày, trong quá trình đó có thể bé sẽ nuốt vào một lượng không khí. Lượng khí này nếu tồn đọng có thể gây cảm giác khó chịu, đầy hơi và nôn trớ ở trẻ. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là mẹ học cách vỗ lưng cho trẻ để đẩy hơi ra bên ngoài. Các bước vỗ ợ hơi cho trẻ dễ dàng như sau: Mẹ lấy một cái khăn sạch đặt lên vai. Bế vác trẻ, sao cho đầu trẻ tựa vào vai mẹ. Một tay bế trẻ, một tay mẹ xoa vùng lưng trẻ theo hình tròn hoặc chụm bàn tay lại vỗ lưng theo hướng từ dưới lên để bé ợ hơi.
4. Cách cho trẻ sơ sinh ngủ
Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều có thể lên đến 18 tiếng mỗi ngày. Bé có thể ngủ cả ngày và đêm trong suốt những tuần đầu tiên, đồng thời bé cũng chưa phân biệt được giữa ngày và đêm. Để giúp bé tập thói quen thức vào ban ngày và ngủ ban đêm, mẹ có thể thực hiện theo những cách sau:
- Hạn chế ánh đèn sáng mỗi khi cho trẻ ngủ, tránh tiếng ồn làm bé giật mình, mẹ nên vỗ về và hát ru để bé chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
- Phòng ngủ của bé nên giữ sạch sẽ và thoáng mát.
- Không nên cho bé ngủ ở tư thế nằm sấp.
- Không để quá nhiều gối, thú bông xung quanh bé vì những thứ này có thể khiến bé bị ngạt thở.
5. Cách dỗ trẻ sơ sinh nín khóc
Với trẻ sơ sinh, khóc là một cách để “giao tiếp” với người lớn. Việc trẻ khóc quấy luôn khiến bố mẹ phải “đau đầu”, vì thế bố mẹ cần tìm hiểu một số nguyên nhân bé khóc đêm và áp dụng những cách dưới đây:
- Bé khóc vì đói: Hãy vỗ về một lát cho bé bình tĩnh lại, sau đó cho bé bú.
- Bé khóc đòi bế: Ẵm bé lên lắc lư nhẹ nhàng, nói chuyện hoặc hát cho bé nghe. Tắt bớt đèn hoặc giảm tiếng ồn xung quanh để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
- Bé khóc vì mệt: Khi chưa được ngủ trong nhiều giờ, hoặc xung quanh quá ồn ào cũng có thể khiến trẻ quấy khóc. Lúc này mẹ nên quấn bé và dỗ cho bé ngủ.
- Bé muốn ợ hơi: Sau khi cho bú mà bé vẫn quấy khóc thì có thể bé đang bị đầy hơi. Lúc này mẹ hãy áp dụng mẹo vỗ ợ hơi đã hướng dẫn phía trên nhé.
6. Cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh
Nếu bé chưa rụng rốn, mẹ nên chú ý không để bỉm chạm hoặc đè lên cuống rốn. Mẹ cần lau sạch từ trước ra sau trong khi vệ sinh cho bé để tránh nhiễm khuẩn vùng kín. Nhớ lau khô trước khi đóng bỉm mới cho trẻ. Nếu trẻ bị hăm da, mẹ tháo bỏ bỉm, rồi thoa kem chống hăm đến khi bé hết hăm mới tiếp tục dùng bỉm nhé.
7. Cách mát-xa cho trẻ sơ sinh
Mẹ nên trải chiếc khăn bông trên mặt phẳng rộng như giường rồi đặt bé lên. Mẹ nên làm ấm bàn tay bằng cách chà xát hai bàn tay lại với nhau. Có thể sử dụng thêm dầu mát-xa dịu nhẹ, không gây kích ứng cho da bé. Bắt đầu mát-xa từ chân, tay rồi đến ngực, bụng và cuối cùng là lưng.
8. Cách quấn khăn cho trẻ sơ sinh
Các bước quấn khăn cho trẻ sơ sinh
- Mẹ trải tấm khăn quấn bé lên trên một mặt phẳng rộng. Khăn đặt theo dạng hình thoi, ngay trước mặt mẹ.
- Gấp góc khăn cao nhất của hình thoi xuống khoảng 20 cm, có thể tùy chỉnh tùy vào kích thước của bé.
- Đặt đặt bé vào giữa tấm khăn, sao cho cổ và lưng đè lên nếp gấp.
- Mẹ đặt tay phải của bé xuôi theo chiều dài cơ thể, để khủy tay của bé hơi cong. Kéo phủ chéo phần khăn bên phải lên mình bé, rồi nhẹ nhàng nâng mình bên trái của bé để chèn phàn khăn thừa xuống dưới lưng.
- Tiếp tục đặt tay trái của bé xuôi theo cơ thể, rồi kéo phủ phần khăn bên trái lên mình bé.
- Quấn ngược phần khăn dư ở dưới chân lên và cố định vị trí khăn quấn.
9. Cách gắn kết với trẻ sơ sinh
Để tạo sự gắn kết thân thiết với trẻ sơ sinh, mẹ hãy tương tác với trẻ bằng cách ôm ấp, vỗ về, cho bé tiếp xúc da với mẹ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể đến gần mỉm cười, gọi tên bé, nói chuyện thì thầm, hát cho bé nghe, hoặc giới thiệu một số đồ chơi nhiều màu sắc để bé giải trí và phát triển khả năng nghe, nhìn. Những việc làm tuy đơn giản nhưng sẽ giúp tạo ra sợi dây tình cảm bền chặt giữa mẹ và bé.
Trên đây là những cách chăm sóc trẻ sơ sinh căn bản nhất giúp những ai lần đầu làm mẹ có thể nuôi con đúng cách. Hy vọng các bạn đã nắm bắt được nhiều thông tin bổ ích và chuẩn bị sẵn sằng để bước vào hành trình chăm sóc “thiên thần nhỏ” đầu tiên của mình nhé!