Có vẻ như chưa thỏa mãn với 6,8 triệu chiếc điện thoại cầm tay đang được lưu hành, cư dân ở khu vực hành chính thuộc Trung Quốc này đang tìm đến một phương thức liên lạc di động mới là sử dụng May bo dam, được gọi bằng cái tên tiếng Anh ngộ nghĩnh: walkie-talkie (vừa đi vừa nói).
Đây là một bộ gồm 2 thiết bị liên lạc dùng sóng radio 2 chiều rất phù hợp cho việc nói chuyện trong cự ly ngắn hoặc thậm chí nghe xen ngang cuộc nói chuyện của người khác. Một số máy còn được thiết kế giống như đồng hồ đeo tay để nâng cao sự tiện dụng và tính thời trang cho người sử dụng. Thiết bị walkie-talkie còn cho phép người sử dụng quét tìm kênh sóng, thiết lập các cuộc hội thoại mà người ta mô tả là nửa giống như một phòng voice-chat trên Internet, nửa giống một cú gọi điện thoại di động.
Trong “cơn khát” được kết nối mọi lúc mọi nơi đang lên rất cao ở Hong Kong, hàng nghìn người đã mua và sử dụng walkie-talkie. Xu hướng này tăng nhanh kể từ đầu năm nay, khi nhà cầm quyền quyết định nới lỏng kiểm soát đối với thiết bị liên lạc cự ly ngắn. Hiện nay, người sử dụng có thể liên lạc trong phạm vi tối đa 3 km mà không cần xin phép. Nhiều kênh sóng cũng đã được mở tự do cho người dân khai thác.
Andrew Lam, một chuyên gia tài chính 40 tuổi, nói: “Thiết bị này lúc đầu chỉ có tính giải trí nhưng bây giờ đã cho thấy tính hiệu quả thực tế của nó”. Lam mới mua một cặp máy bộ đàm với giá 350 đôla Hong Kong sau khi thấy hầu hết bè bạn của mình đều đã dùng và tỏ ra thích thú với sự mới lạ của công cụ này, nhất là khi bắt sóng và nói chuyện với người lạ.
Lam cho biết anh mua walkie-talkie chủ yếu để dùng vào những chuyến đi bộ đường dài. Tuy nhiên, anh ta nhanh chóng thấy khoái chí với việc bắt sóng và nghe lén các cuộc hội thoại bằng bộ đàm của người khác, một điều có thể thực hiện rất đơn giản. Lam nói: “Tôi vốn là người tò mò và hay muốn biết người khác đang nói về cái gì. Ôi dà! Đủ thứ chuyện. Nhiều khi có người biết đang bị nghe lén và hỏi "Ai đó?" nhưng tôi cứ làm thinh và nghe tiếp”.
Một thanh niên 27 tuổi thì lại có lý do khác. Anh cho biết thường cùng bạn gái của mình sử dụng loại thiết bị liên lạc tầm ngắn này mỗi khi đi nước ngoài để tiết kiệm chi phí sử dụng điện thoại di động.
Mặc dù bộ đàm walkie-talkie khó có thể là đối thủ cạnh tranh đáng kể đối với điện thoại di động trên thị trường liên lạc Hong Kong, các nhà cung cấp loại thiết bị này vẫn vô cùng mãn nguyện khi doanh số bán của họ tăng nhanh không ngờ. Rosanna Chan, đại diện hãng sản xuất bộ đàm Tsuen Shing, cho biết riêng tháng 10 năm nay họ đã bán được 10.000 máy, tăng gấp 5 lần so với tháng 9. Còn theo Mildred Wong, Giám đốc marketing và truyền thông của Motorola khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lượng hàng của họ bán ra tại Hong Kong từ tháng 2 đến nay là 48.000 sản phẩm. Con số này còn có thể tăng cao trong dịp Giáng sinh đang đến. Riêng một quầy thiết bị liên lạc của khu cửa hàng CitiCall tại trung tâm Hong Kong mỗi ngày cũng bán được tới 4 bộ.
Người mua bộ đàm không chỉ là những người thích giải trí bằng kiểu liên lạc ngộ nghĩnh này mà còn là rất nhiều doanh nghiệp, nhất là các cửa hàng thời trang nơi nhân viên bán hàng cần liên lạc với nhau thường xuyên trong phạm vi các quầy hàng. Ngoài ra còn có cả một số cơ quan chính quyền muốn trang bị cho nhân viên, các bậc phụ huynh muốn giữ liên lạc với con cái khi ra đường, các bà nội trợ cần liên lạc với người giúp việc khi cùng nhau đi mua sắm, nhất là khi họ thay đổi quyết định mua một món đồ nào đó thì có thể thông báo ngay cho nhau.
Theo: VnExpress