Thiết bị dạy học Vật lý lớp 8 có một số sai sót nhưng qua một năm giảng dạy ở nhà trường (2004-2005), các cơ quan chức năng trong Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) vẫn không nhận thấy cái sai mà sửa. Đến năm học này, Bộ GD-ĐT lại sai lầm trong việc trang bị thiết bị dạy học cho nhà trường. Có lẽ, do Bộ không có bộ phận nghiên cứu để xây dựng các bộ thí nghiệm cho lớp 4 và lớp 9 nên chỉ thông báo các công ty thiết bị giáo dục đem các bộ thí nghiệm của đơn vị mình về để Bộ lựa chọn. Hội đồng thẩm định mẫu của Bộ GD-ĐT đã "nhặt" một số dụng cụ thí nghiệm của các công ty thiết bị rồi nhập thành bộ dụng cụ thí nghiệm cho lớp 4 và lớp 9. Do cách làm này nên bộ dụng cụ thí nghiệm trang bị cho lớp 4 và lớp 9 năm nay vi phạm vào các tiêu chuẩn cần thiết của thiết bị dạy học: tính khoa học, tính sư phạm, tính kỹ thuật, tính tinh tế. Ở đây, chỉ xin nêu 2 dẫn chứng sai sót về kiến thức vi phạm tính khoa học của thiết bị dạy học Vật lý lớp 8 và lớp 9.
Trong thiết bị phục vụ cho thí nghiệm về chuyển động thẳng đều và không đều ở lớp 8, đáng lẽ trục bánh xe làm hình trụ thì Hội đồng thẩm định mẫu lại quyết định làm hình côn (đường kính bên trong 8 mm, đường kính bên ngoài 6 mm) nên khi lăn trên 2 thanh dẫn thì quỹ đạo của bánh xe lại là đường cong hình sin chứ không phải hình đường thẳng như bài giảng trong sách giáo khoa.
Bộ thí nghiệm Vật lý lớp 9 cũng có sai phạm lớn về kiến thức. Thí nghiệm khảo sát từ trường trong lòng ống dây, Hội đồng duyệt mẫu của Bộ GD-ĐT lại chọn dụng cụ có 2 ống dây đặt gần nhau, khoảng cách giữa 2 ống dây bằng chiều dài mỗi ống và khảo sát từ trường giữa 2 cực của 2 ống dây này. Đây là một sai phạm lớn về kiến thức không thể chấp nhận được vì từ trường giữa 2 cực của 2 ống dây khác hẳn từ trường trong lòng 1 ống dây. Ngày 17.8.2005, Báo Lao Động đã có bài nói về các thiếu sót trong bộ thí nghiệm Vật lý lớp 9. Không hiểu Bộ GD-ĐT có hướng khắc phục thế nào khi những bộ thí nghiệm được gọi là "mẫu chuẩn" này đã được đưa về tất cả các sở và các phòng giáo dục trong cả nước để làm chuẩn nhận hàng. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo như thế nào khi hiện nay các công ty đã sản xuất gần xong các bộ thí nghiệm theo "mẫu chuẩn" này để đưa về 10 trường trung học cơ sở trong cả nước.
Để các năm học tới, thiết bị dạy học đưa về nhà trường giảm được những thiếu sót như thời gian qua, chúng tôi xin đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm tới các khâu trong việc xây dựng thiết bị dạy học cho nhà trường.
1. Xây dựng danh mục thiết bị cho từng môn học ở mỗi lớp.
2. Thiết kế bộ mẫu thí nghiệm cho từng môn, chú ý đến mối liên quan với các lớp trong cùng cấp.
3. Sản xuất bộ thí nghiệm có sự phối hợp tốt giữa người nghiên cứu và người sản xuất.
4. Viết hướng dẫn thí nghiệm cho từng môn học.
Trong các khâu trên, nếu có tổ chức hội nghị thẩm định thì cần tập hợp những người chuyên sâu về thực nghiệm, tránh tổ chức hội nghị một cách hình thức chỉ để tạo cơ sở pháp lý. Có thể mời một số giáo viên có kinh nghiệm tham gia công việc này chứ không nhất thiết phải có học hàm, học vị cao.