Hàng loạt các phòng mạch Nha khoa xuất hiện tại những mặt tiền đẹp ở các khu vực trung tâm thành phố, trông sang trọng, lịch sự. Các hoạt động quảng cáo diễn ra rầm rộ, thậm chí có nơi còn áp dụng phương thức phát tờ rơi ở những ngã tư đường.
Cách đây vài năm, hiếm có nơi nào nhập ghế nha khoa mới 100%, chủ yếu dùng ghế cũ. Hiện nay, rất nhiều nơi "chịu" đầu tư dù giá mỗi chiếc không phải rẻ, khoảng 10-12 nghìn USD (tương ứng với mỗi ghế thường là một bác sĩ hoặc y sĩ ). Kèm theo đó là các máy móc, thiết bị hiện đại như máy chụp X-quang, laser, scan… rất đắt đỏ.
Mức độ tiếp cận, cập nhật các công nghệ, phương pháp điều trị mới trên thế giới cũng rất nhanh, qua các kênh: tài liệu trên Internet, hội thảo, hội nghị khoa học, hoạt động tiếp thị của các tập đoàn chuyên về nha khoa lớn trên thế giới như Dentsply, 3M, IvoclarVivadent…
Theo một số bác sĩ nha, các tập đoàn này đã bắt đầu chú ý đến thị trường Việt Nam, đưa ra những chiến lược ưu đãi nhất định về giá cả, huấn luyện. Có nơi đã tài trợ cho các y, bác sĩ chi phí ra nước ngoài dự những khoá tu nghiệp ngắn hạn để họ bắt nhịp với trình độ thế giới, nâng cao tay nghề.
Một bằng chứng khác về sự sôi động của thị trường dịch vụ nha khoa là trước đây, đại học Y dược chỉ đào tạo chuyên viên kỹ thuật về "labo" (phục hình răng – làm răng sứ giả theo mẫu yêu cầu), gần đây đã đào tạo cả hệ cử nhân. Thành phố từ chỗ chỉ có vài nơi làm labo nay đã lên tới khoảng 100 chỗ, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn cho các tỉnh thành khác và cho cả nước ngoài, chủ yếu là cho Việt kiều cũng hành nghề nha. Chủ một cơ sở làm labo thuộc hàng đầu tiên cho biết có thể phát triển ngành này thành một ngành công nghiệp.
Hiện nay, trung tâm nha khoa nào có trên 5 ghế đã được xem là lớn. Hạng trung bình thường có khoảng 3 ghế. Giá cả dao động tuỳ quy mô, chất lượng dịch vụ, khám răng khoảng từ 20 đến 50 nghìn đồng/lần, nhổ răng 100-200 nghìn/cái, chữa nha chu 80-200 nghìn, trám răng 60-200 nghìn, riêng trồng răng chênh lệch lớn từ 100 nghìn đến 3,5 triệu, tẩy và chỉnh răng chênh lệch lớn nhất từ 200 nghìn đến 7 triệu đồng.
Hiện nay, khách hàng chỉ có thể thẩm định được tính xác thực của lập luận "tiền nào của nấy" từ các trung tâm sau khi đã móc hầu bao mua dịch vụ, nhiều khi là phải sau một thời gian dài vì như lời một nha sĩ: "đối với việc trồng răng giả, thấy đẹp trước mắt chỉ là một phần, còn phải xem có thể ăn được với nó không nữa".
Theo giới chuyên môn, đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Giá dịch vụ được tính toán trên cơ sở vốn đầu tư (mặt bằng, trang thiết bị, thuốc, nhân sự…). Khó có chuyện cùng "đẳng cấp" mà chênh lệch nhiều về giá, chỉ có thể là… treo đầu dê bán thịt chó. Hoặc như những chuyện đã xảy ra, mặc dù nhiều nơi treo bảng giá rất rõ ràng nhưng khách hàng vẫn phải trả với mức cao hơn vì những khoản chi phí phụ trợ không được báo trước như răng tạm, thuốc giảm đau, khử trùng…
Bác sĩ Phan Hưng Quốc, phụ trách nha khoa Viễn Đông, ngã tư Lê Thánh Tôn, Trương Định, quận 1, cho biết, 70% khách hàng của mình là Việt kiều, khoảng 5-10% đến từ các tỉnh là những người có thu nhập cao.
Mặt bằng đẹp là một lợi thế thu hút khách. Ngoài ra, việc quảng cáo trên các tạp chí mà Việt kiều hay đọc như Guide, Heritage cũng thu được một số kết quả. Nhưng chủ yếu nhất vẫn là qua giới thiệu từ những người đã từng là khách hàng của mình. Mới đây có người trong số này đã "đặt vấn đề" về việc sẽ làm trung gian đưa khách đến trung tâm.
Theo chị Lan Anh tại trung tâm nha khoa Lan Anh, một số dịch vụ thuộc loại kỹ thuật cao trên thế giới như implant (cấy implant làm gốc, hỗ trợ cho việc phục hình răng giả) có giá cao, khách hàng có nhu cầu thường là Việt kiều hoặc những người có thu nhập cao.
Lan Anh có một chiến lược quảng bá khá chuyên nghiệp qua việc xây dựng một webisite cung cấp kiến thức về nha khoa, tư vấn riêng cho từng người bằng thư điện tử, làm marketing đến các đối tượng khách hàng này…
Xét về chất lượng, trình độ của các trung tâm lớn ở Việt Nam đã tương đương với các nước trên thế giới, về giá cả thì rẻ hơn rất nhiều. Hiện nay, ở nước ngoài, làm một răng sứ không có điều trị tuỷ khoảng 400-600 USD, nếu có điều trị thì thêm 300-400 USD. Còn ở Việt Nam, làm răng sứ chỉ mất khoảng 1 triệu, điều trị tuỷ chỉ thêm 200-250 nghìn. Đối với việc làm răng giả bằng kỹ thuật implant, nước ngoài làm 2.000 USD/cái, Việt Nam làm1.000-1.200 USD/cái.
Một Việt kiều Đức bật mí thêm về lý do về nước làm răng giả của mình: điều kiện chăm sóc răng miệng ở trong nước không thua kém xứ người và cả hình dáng, kích thước răng của người Việt không bằng và không giống người nước ngoài, nha sĩ trong nước điều trị sẽ "quen" hơn. Nhiều Việt kiều đã làm phép tính: nếu làm từ 3 chiếc răng sứ giả trở lên thì bỏ tiền mua vé máy bay về Việt Nam làm vẫn rẻ hơn mà còn được thăm quê. Vì vậy mùa cao điểm của các trung tâm thường là tháng 12, trùng với khoảng thời gian nhiều Việt kiều về quê ăn tết.
Theo: ngoisao