Một thiết bị nghe trộm.
Mọi lời nói đều bị kiểm soát, mọi hành vi, mọi dự định của bạn đều có thể bị phát hiện, kể cả những bí mật cá nhân cũng có thể bị đưa ra công khai trước bàn dân thiên hạ… Đời tư bị xâm phạm, mạng viễn thông cũng bị chiếm dụng phục vụ mục đích xấu. Đó quả là mối nguy lớn khi xuất hiện một thị trường đặc biệt chuyên cung cấp các thiết bị, phần mềm nghe trộm, quay phim trộm…
Muốn thiết bị theo dõi – có ngay!
Nói đến các loại thiết bị nghe trộm siêu nhỏ, siêu gọn, siêu hiện đại, tôi cứ ngỡ phải khó khăn lắm mới kiếm được ở Hà Nội. Nhưng không ngờ, sau khi nghe yêu cầu của tôi, anh bạn chuyên kinh doanh hàng điện tử buông câu: "Dễ ợt!". Nói rồi anh đọc cho tôi cả loạt địa chỉ bán loại thiết bị đặc biệt này, từ camera siêu nhỏ gài túi áo cho tới các phần mềm nghe trộm (dân buôn hay còn gọi là phần mềm "gián điệp"). Thậm chí, có thể gọi mua qua điện thoại, giao hàng trực tiếp tận nơi. Giá trung bình của mỗi sản phẩm này chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu khách hàng không biết giá có thể bị mua với giá cao gấp đôi.
Muốn tham khảo các loại thiết bị "gián điệp" một cách nhanh nhất, khách hàng chỉ cần vào mạng Internet tìm kiếm là sẽ thấy các chủng loại rất đa dạng. Công ty TNHH Viễn thông TM ở quận Đống Đa, Hà Nội giới thiệu thiết bị nghe trộm R600 vô cùng hấp dẫn: "Bạn muốn có những thông tin bí mật từ người khác? Thiết bị nghe trộm từ xa R600 nhỏ gọn chuyên dùng cho điệp viên sẽ giúp bạn nghe trộm dễ dàng mọi lúc mọi nơi mà bạn muốn…".
Ứng dụng trong thực tế đối với R600 được quảng cáo là dùng cho ngành an ninh, trung tâm thám tử tư (trung tam tham tu tu) doanh nhân, giám sát gia đình, theo dõi con cái… Thiết bị này còn được gọi là thiết bị nghe trộm toàn cầu bằng sim điện thoại, sử dụng sóng GMS (điện thoại di động) với bất kỳ một chiếc sim điện thoại trả trước hoặc trả sau của Viettel, VinaPhone, MobiFone.
Để tìm hiểu cụ thể, tôi liên lạc với Công ty TM, hỏi về thiết bị R600. "Chị định sử dụng thiết bị này với mục đích gì?" – câu đầu tiên cô nhân viên công ty này hỏi tôi. "Để theo dõi chồng, tôi nghi chồng mình có bồ" – tôi trả lời.
Cô gái giải thích rất kỹ lưỡng ưu điểm, nhược điểm của máy: Thiết bị nhỏ hơn một bao diêm, có thể gài vào đâu đó trong phòng hoặc ở xe, cặp xách… Người sử dụng phải gài một sim điện thoại vào máy. Khi cần nghe trộm, người sử dụng chỉ cần gọi điện thoại vào số sim đó, tức thì bạn sẽ nghe được qua điện thoại mà không sợ bị phát hiện. Khi hoạt động, máy không phát ra âm thanh và có thể thu được âm thanh phát ra trong khoảng cách 15m2. Loại thiết bị này có nguồn gốc từ Đài Loan, giá bán tại Hà Nội 1 triệu đồng, bảo hành một năm.
Một địa chỉ khác thì quảng cáo loại thiết bị nghe trộm xịn của Đài Loan và khẳng định trên thị trường đang xuất hiện nhiều hàng nhái của ChinaR600 chất lượng kém và nghe trộm không đảm bảo. Giá thị trường loại này là 1,8 triệu đồng, giá chợ trời 1,5 triệu đồng, "dành cho thám tử, nhà báo, đặc vụ, doanh nhân… hoặc dành cho chính bạn, phục vụ hội thảo, nghe trộm các cuộc đàm thoại…".
Bên cạnh thiết bị nghe trộm, tại nhiều cửa hàng bán đồ điện tử còn có sản phẩm loại khác như camera thu nhỏ như một chiếc bút, quay phim trong đêm, thậm chí có cả máy phá sóng điện thoại… Lại có cả loại thiết bị nghe lén không giới hạn khoảng cách, thiết bị nghe lén siêu nhỏ, camera nút áo, camera ngụy trang… với giá trung bình trên dưới 1 triệu đồng. Ngược lại, để phát hiện camera quay lén, thị trường cũng xuất hiện một loại bút phát hiện camera quay lén…
Quản lý thế nào?
Một dân buôn chuyên đánh hàng điện tử từ biên giới về Hà Nội cho tôi biết, nguồn hàng thiết bị nghe trộm, quay trộm chủ yếu đưa về từ biên giới Lạng Sơn và Móng Cái. Nếu mua một chiếc camera bút tại bên kia biên giới chỉ có giá 600.000 – 700.000 đồng thì khi về Hà Nội được đẩy lên giá hơn 1 triệu đồng tùy người bán. Tuy nhiên, vì phần lớn những loại thiết bị nghe trộm, quay trộm như đã nói ở trên là hàng lậu nên chất lượng không được kiểm soát.
Điều nguy hại trước sự xuất hiện tràn lan thiết bị nghe trộm, quay trộm chính là sự xâm nhập vào đời tư hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế và an ninh xã hội. Hành vi nghe trộm điện thoại cũng bị cấm trong Điều 125 Bộ luật Hình sự, tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, mức phạt có thể lên tới 2 năm tù giam.
Điều 12, Luật Viễn thông vừa mới ban hành cũng quy định: "Cấm thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác". Vì vậy, việc sử dụng thiết bị nghe trộm, quay trộm là hành vi vi phạm pháp luật.
Vấn đề là quản lý bằng cách nào? Câu hỏi đặt ra cho lực lượng Quản lý thị trường, Công an và Hải quan cửa khẩu. Về mặt quản lý nhà nước, cũng cần thiết phải có quy định riêng, cụ thể đối với các thiết bị điện tử mới xuất hiện có thể gây phức tạp cho xã hội, gây nguy hại đến tình hình an ninh, chính trị đất nước.