Sử dụng đèn gì, đặt ở đâu?
Ngày nay, đèn không chỉ để chiếu sáng mà còn một chức năng quan trọng khác và hình thành hẳn lĩnh vực riêng – đúng như tên gọi – là đèn trang trí. Tuy nhiên đèn trang trí chỉ thực sự phát huy tác dụng khi được đặt đúng vị trí, sử dụng đúng loại đèn. Và quyết định cho việc "đúng" này chính là kiến trúc sư hay chuyên viên thiết kế nội thất hoặc ánh sáng. Thông thường ở mọi công trình xây dựng, bên cạnh những bản vẽ thiết kế chi tiết về kết cấu, về vật liệu xây dựng, về bố trí không gian … thì nhất thiết phải có thiết kế mặt bằng bố trí đèn và công tắc. Người thiết kế (có thể có tham khảo ý kiến chủ đầu tư trước đó) sẽ giúp "nhìn ra" không gian nào, vị trí nào cần lắp đặt đèn gì, đặt thấp hay cao, bao nhiêu cái, ánh sáng ra sao và công tắc từng loại đèn phải được đặt ở vị trí hợp lý nhất cho việc sử dụng. Hẳn nhiên, mỗi công trình (nhà ở, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, văn phòng làm việc …) đều có những đặc điểm và yêu cầu khác nhau.
Khi công trình xây dựng bước sang giai đoạn hoàn thiện, tổ điện của bên thi công sẽ căn cứ trên bảng thiết kế mặt bằng bố trí điện – đèn – công tắc – ổ cắm (cả ổ cắm điện thoại và truyền hình) để thực hiện việc đi dây và lắp đặt (kể cả cho các thiết bị điện khác như máy nước nóng phòng tắm, máy điều hòa không khí cho phòng ngủ, phòng khách, lò nướng, lò viba cho không gian bếp, máy giặt …) từ nội thất cho đến ngoại thất, sân vườn. Giai đoạn này cần được giám sát kỹ để tránh sự nhầm lẫn hoặc sai sót từ đội ngũ thi công. Thiếu một công tắc hay đặt sai vị trí một ổ cắm điện thoại hoặc lắp đặt không đúng loại đèn … là chuyện vẫn thường xảy ra. Thậm chí sự nhầm lẫn có thể đến từ bản vẽ do người thiết kế đã "quên" một chi tiết nào đó …
Thế giới đèn trang trí
Đèn trang trí hiện nay được phân lập thành từng nhóm khác nhau như đèn phòng ăn, đèn phòng trẻ em, đèn phòng ngủ, đèn phòng tắm, đèn gương, đèn ốp tường và ốp trần, đèn rọi tranh, đèn sàn, đèn bàn, đèn ngoài trời, đèn sân vườn, đèn chiếu … Ở mỗi nhóm lại có nhiều "dòng" theo nhiều phong cách như cổ điển, hiện đại, theo Tây, theo Tàu … Ở mỗi "dòng" lại có nhều kiểu dáng khác nhau, thậm chí nhà sản xuất có thể thiết kế riêng cho khách hàng một mẫu độc quyền nào đó (nếu không bị sao chép hoặc ăn cắp mẫu) nhằm đem lại sự khác biệt độc đáo. Hoặc có thể theo phong cách "đồng bộ" là toàn bộ đèn trang trí trong mọi không gian công trình đều cùng chất liệu và kiểu dáng. Đèn trang trí có thể làm từ nhiều chất liệu khác nhau như sắt, nhôm, gỗ, giấy, vải, gốm, kính, nhựa tổng hợp, vỏ ốc …
Như đèn trần chẳng hạn, khuynh hướng hiện nay thường sử dụng loại đèn mắt ếch, hoặc đèn lon cho trần phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn … vì phân bổ ánh sáng đều hơn nhờ bố trí được nhiều bóng và có thể điều tiết hiệu quả ánh sáng dễ dàng nhờ chia bóng ra cho nhiều công tắc (kèm theo tiết kiệm điện từ bản thân bóng đèn và có thể sử dụng ít bóng). Liên quan đến trần còn có loại đèn mâm hay đèn dĩa, thường được lắp đặt ở sân phơi, hành lang, balcon, phòng tắm hoặc để "xử lý tình huống" khi trần "đụng" đà bê tông, không thể bố trí đèn lon được (vì phải phân bổ đều). Nói đến trần thì đèn lon hay đèn mâm mới chỉ tạo ánh sáng nền, còn thực sự tạo nên dấu ấn trang trí đặc biệt phải là loại đèn chùm, đèn thả, đèn pha lê với nhiều kiểu dáng và chất liệu riêng tạo nên sự sang trọng khó tả. Cũng nên nói thêm sự khó tả ở đây là bởi khi bố trí đèn với ánh sáng của nó, người thiết kế còn phải tính đến hiệu ứng cộng hưởng từ màu sơn của trần, tường và màu của gạch lát nền.
Đèn ốp vách cũng là một chủng loại cực kỳ phong phú về kiểu dáng và chất liệu. Đèn ốp vách có thể xuất hiện ở khắp nơi từ phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng vệ sinh (khu vực đặt gương soi, chậu rửa) đến cả ngoài sân vườn (đèn cổng). Đèn ốp vách ngoài việc chiếu sáng và trang trí còn có thể biến thành đèn rọi tranh hoặc đèn gương (bố trí phía trên gương soi vừa cho ánh sáng và phản chiếu qua gương để tạo không gian lộng lẫy hơn). Đèn ốp vách có thể lắp cố định hoặc di động trên một ray trượt với nhiều bóng đèn có thể điều chỉnh ánh sáng theo chiều ngang hoặc dọc. Cũng liên quan đến việc "điều chỉnh" được thì còn loại đèn chiếu, có thể "xoay ngang, bẻ dọc" nhằm chiếu ánh sáng vào một mục tiêu cụ thể nào đó như bàn thờ, hòn non bộ, hồ cá, phù điêu, bình gốm ….