Công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh đóng vai trò quan trọng. Học sinh hiện nay có điều kiện hơn trong việc tiếp cận nhiều kênh thông tin khác nhau, nhưng không phải vì thế mà sự lựa chọn trở nên dễ dàng hơn. Nhất là khi phần lớn học sinh hiện nay chưa nắm vững cơ cấu ngành, nghề trong xã hội, không ít học sinh bị rối nhiễu thông tin trong khi lựa chọn ngành, trường dự thi. Qua tìm hiểu được biết, những học sinh may mắn nhận được sự định hướng trong việc chọn ngành tư vấn từ phía gia đình và nhà trường đã cảm thấy dễ dàng hơn trong việc chọn ngành thi, trường thi phù hợp.
Song cũng có một số học sinh đến mãi năm học cuối cấp mới xác định khối thi. Đối với những học sinh học toàn diện, có kiến thức nền tốt thì việc đến năm lớp 12 mới quyết định khối thi không phải là vấn đề phải băn khoăn nhiều. Nhưng với học sinh có học lực trung bình thì việc lựa chọn khối thi muộn có thể gây ra những khó khăn nhất định, khi mà quỹ thời gian còn lại dành cho việc ôn tập là không nhiều.
Mùa tuyển sinh năm nay, trong khi số lượng thí sinh thi vào các khối A, B đang có chiều hướng gia tăng, thì lượng thí sinh thi vào các khối C, D đã giảm xuống rõ rệt. Lý giải điều này, nhiều học sinh cho rằng các khối A, B có nhiều ngành thi hơn nên dễ dàng cho học sinh trong việc lựa chọn và cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường của các ngành thi khối A, B cũng thuận lợi hơn.
Trong những mùa tuyển sinh gần đây các nhóm ngành về kinh tế, tài chính, ngân hàng rồi đến những ngành về kỹ thuật công nghệ là những nhóm ngành được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi. Theo điều tra của Bộ GD&ĐT, đây là những nhóm ngành đang chiếm ưu thế, tỷ lệ sinh viên nhập học những nhóm ngành này từ năm 2003 đến nay đều tăng mỗi năm trên dưới một vạn sinh viên. Đây cũng có thể xem là một tín hiệu tích cực bởi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhu cầu về nguồn nhân lực ở những nhóm ngành này đang ngày càng gia tăng.
Trong số các trường có đào tạo nhóm ngành kỹ thuật, công nghiệp, các ngành được nhiều thí sinh lựa chọn như: điện – điện tử, cơ khí, dầu khí, cơ điện tử, điện công nghiệp… Đây là những ngành nhu cầu xã hội đang cần nhiều nhân lực, “đầu ra” thuận lợi nên đang thu hút nhiều thí sinh.
Mỗi nhóm ngành học lại được tiếp tục chia ra các ngành nhỏ khác, chẳng hạn ngành cơ khí được đào tạo theo nhiều hướng như: cơ khí chế tạo máy, cơ khí nông lâm, cơ khí động lực, cơ khí điện tử, cơ khí đóng tàu… nên thí sinh đã dễ dàng hơn trong việc chọn cho mình một ngành thi phù hợp.