Thiết bị dẫn đường (TBDĐ-GPS navigation device) trên thị trường hiện nay rất phong phú, cả về mẫu mã lẫn tính năng. Vì thế, việc quyết định chọn một thiết bị dẫn đường (Thiet Bi Dan Duong) khá khó khăn. Cách hay nhất là bạn tìm hiểu hết các tính năng có trên TBDĐ và chọn ra những tính năng mình cần nhất. Sau đó hãy chọn TBDĐ phù hợp với tính năng bạn cần và "hầu bao" của bạn. Hoặc chí ít những thông tin trong bài cho bạn nắm được khả năng của một TBDĐ hiện nay làm được những gì.
Màn hình
Cách đây vài năm, những TBDĐ có kích thước màn hình 3,5” đã bị đẩy xuống hàng cơ bản và thay thế bằng chuẩn màn hình 4,3”. Nay thì kích thước màn hình 4,7” hay 5” đã trở nên phổ biến. và cá biệt đã có TBDĐ trang bị màn hình 7” (Magellan RoadMate 1700).
Hiển thị 3D
Chế độ hiển thị 3D hiện có trong những TBDĐ tầm trung, cao cấp. Lúc này, màn hình bản đồ thể hiện được các tòa nhà theo hình khối 3D, tăng phần sinh động và giúp bạn nhận diện địa hình dễ dàng hơn.
Bản đồ
Bản đồ quyết định rất lớn đến việc sử dụng TBDĐ và cần được cập nhật thường xuyên hàng quí. Thực tế, chính sách cập nhật bản đồ của các nhà cung cấp, của từng sản phẩm cũng không giống nhau, có thể cập nhật miễn phí vĩnh viễn hay cập nhật thu phí. Việc cập nhật bản đồ không chỉ giúp bổ sung các tuyến đường mới mà còn mở rộng cơ sở dữ liệu địa điểm (cơ quan, cây xăng, ATM, nhà hàng, nhà ga, bệnh viện…).
Tại Mỹ, ngay chính tên của TBDĐ đã cho biết thông tin về chính sách cập nhật bản đồ. Ví dụ, Garmin và Magellan thêm hậu tố LM, TomTom thêm M. Những sản phẩm của Magellan có hậu tố MU thì chỉ được cập nhật miễn phí một lần.
Tại Việt Nam, tất cả TBDĐ do Vietmap cung cấp đều được hỗ trợ cập nhật miễn phí. Bạn có thể tự tải về từ trang vietmap.vn rồi nạp vào thiết bị, hay ghé văn phòng Vietmap.
Giải thuật tìm đường
Thông thường, TBDĐ sẽ tính toán dựa trên điểm xuất phát, điểm đích; và thể hiện cho bạn một số lộ trình phù hợp theo tiêu chí ngắn nhất, nhanh nhất hay tiết kiệm nhất (tránh trạm thu phí). Tuy nhiên, Magellan có thêm giải thuật tìm đường thông minh IQRoutes dựa trên dữ liệu giao thông gần nhất và thông tin bản đồ được cộng đồng cập nhật.
Cơ sở dữ liệu địa điểm
Cơ sở dữ liệu địa điểm thường đi kèm theo bản đồ, “đánh dấu” rất nhiều địa chỉ trạm xăng, ATM, nhà hàng, trường học, bệnh viện, UBND, ga tàu, trạm xe, địa diểm du lịch… nên rất hữu ích khi bạn đi xa. Cơ sở dữ liệu càng lớn thì bạn càng nhanh chóng tìm được địa điểm mong muốn.
Chế độ Point on Map trên TomTom, điểm dọc lộ trình trên Papago khá hay vì sẽ thể hiện danh mục các địa điểm nằm trên lộ trình.
Dịch vụ thông tin giao thông
Một số TBDĐ có khả năng kết nối đến trung tâm dịch vụ thông tin giao thông qua sóng radio, mạng di động. Nhưng để sử dụng, bạn cần đăng ký thuê bao dịch vụ. Dịch vụ có khả năng cập nhật liên tục thông tin giao thông trên màn hình, cảnh báo cho bạn các điểm bị ùn tắc, tai nạn giao thông…
Tại Mỹ, dịch vụ thông tin giao thông dành cho TBDĐ của Garmin, Magellan không thu phí nhưng chèn quảng cáo; ngược lại, dịch vụ của hãng TomTom có thu phí (nên không quảng cáo).
Tại Việt Nam, hạ tầng cho dịch vụ thông tin giao thông mới chỉ ở giai đoạn ban đầu với một số đài radio thông tin giao thông như VOV giao thông FM 91MHz, Giao thông 24 giờ (FM 99,9MHz)… Tuy nhiên, thị trường đã có thiết bị sẵn sàng (như Papago R6600, www.pcworld.com.vn/mua/M5807).
Kết nối Bluetooth
Kết nối Bluetooth hiện chỉ có trong nhóm TBDĐ tầm trung và cao, cho phép kết nối với điện thoại di động (ĐTDĐ) để nhận và thực hiện cuộc gọi, tra tìm danh bạ điện thoại. Nhờ vậy, người lái xe sẽ ít bị chi phối khi nhận điện thoại và nâng cao độ an toàn khi đang lưu thông. Kết nối Bluetooth trên Garmin hỗ trợ hầu hết ĐTDĐ, tự động kết nối và có thể đọc tên trong danh bạ điện thoại. TomTom GP 2000 mới thì tối ưu cho điện thoại
Motorola Droid X.
Papago R6600 là một trong số ít TBDĐ tại Việt Nam hỗ trợ kết nối Bluetooth.
Chỉ dẫn bằng giọng nói
Gần như tất cả TBDĐ, kể cả mẫu cơ bản, đều có khả năng chỉ dẫn bằng giọng nói. Tuy nhiên, bạn cần nghe thử để có thể đánh giá đầy đủ về chất lượng âm thanh, sự rõ ràng của chỉ dẫn.
Tại Việt Nam, chỉ dẫn bằng giọng nói còn có sự khác biệt theo vùng miền và thông thường TBDĐ hỗ trợ 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Hoa.
Khẩu lệnh
Khẩu lệnh là chức năng cao cấp, mới chỉ xuất hiện ở mẫu TomTom GO 2505-TM. Thiết bị hiện tại hỗ trợ 130 khẩu lệnh.
Điều khiển cảm ứng
TBDĐ ứng dụng rộng rãi màn hình cảm ứng để đơn giản hóa thao tác cho người lái xe. Tuy nhiên, hiện mới có TomTom GO 2505-TM cho phép điều khiển đa chạm theo kiểu iPhone (vuốt, chụm đầu ngón tay).
Menu cá nhân
Nhằm đơn giản hóa thao tác, một số thiết bị có giao diện cho phép người dùng thay đổi cách sắp xếp biểu tượng chức năng hay tạo một giao diện cá nhân chỉ chứa những chức năng thường dùng.
Tiện ích
Ngoài chức năng dẫn đường, TBDĐ còn kèm theo trò chơi, từ điển, máy tính, ứng dụng xem phim, nghe nhạc, xem hình và đặc biệt là ứng dụng đọc văn bản.