Môi thường xâm nhập vào nhà theo con đường:
– Mối có sẵn trong nền đất hoặc công trình cũ, trong khi cải tạo hoặc xây dựng mới chủ công trình không xử lý triệt để, sau một thời gian nhất định chúng tiếp tục phát triển, lập thêm tổ mới và gây hại cho công trình.
– Mối cánh bay vào làm tổ trong công trình trước khi lát nền hoặc mối cánh tìm được khe, kẽ thích hợp để làm tổ trong công trình, ngay cả khi công trình đang thi công hoặc đã đưa vào sử dụng.
– Đàn mối kiếm ăn di chuyển từ môi trường hoặc các công trình, các cây cối lân cận vào công trình qua tường, móng công trình.
– Ngoài ra có thể do mối có sẵn trong các đồ dùng bằng gỗ hoặc các cấu kiện khác có thể được con người vô tình đưa vào công trình. Mối có xâm nhập phá hoại tại những công trình xây kiên cố hay không?
Qua nhiều năm thực tế khảo sát và xử lý chống mối tại các công trình: Công trình nhà 6 tầng Tỉnh uỷ Hải Dương; nhà thi đấu thể thao tỉnh; nhà 5 tầng Sở Khoa học và Công nghệ; Trụ sở Huyện Uỷ huyện Tứ Kỳ và nhiều công trình xây kiên cố tại TP Hải Dương, nhất là tại khu đông Nam Cường cho thấy mối có thể xâm nhập phá hoại tại tất cả các công trình kiên cố cao tầng. Tại những công trình này điều kiện để mối xâm nhập, sinh trưởng và phát triển rất thuận lợi, bởi:
– Tầng đất (hoặc cát) nền thường cao, mối dễ làm tổ, tổ không bị ngập nước.
– Do công trình được bao kín, lại có nhiều thiết bị sinh nhiệt hoặc giàm nhiệt (như quạt điện, điều hoà, tủ lạnh vv…), nhiệt độ phòng thường chênh lệch so với ngoài trời, mùa đông thường ấm áp, mùa hè mát rất thích hợp để mối phát triển.
– Do hệ thống ống nước, cáp điện xuyên rải khắp công trình là chỗ dựa để mối xâm nhập và di chuyển phá hoại.
– Những công trình xây kiên cố thường có nguồn thức ăn vô tận với mối, bao gồm: Các vật liệu bằng tre, gỗ, giấy còn lưu giữ trong nền đất hoặc bám dính công trình trong thời gian thi công chưa được làm sạch; các vật dụng trang trí nội thất bằng tre, gỗ, giấy; các khoáng chất có sẵn trong cát nền; các loại thức ăn công nghiệp khác do người sử dụng công trình trữ chứa hoặc vô tình để rơi vãi tại công trình…Ngoài ra cọc tre tươi dùng chống lún công trình và nước rò rỉ từ các ống nước chôn ngầm cũng là nguồn sống đáng giá của mối.
Mối thích cắn phá các loại vật tư, hàng hoá nào?
– Tất cả các vật tư, sản phẩm hàng hoá bằng tre, gỗ ( kể cả gỗ lim, lát)
– Các loại vật tư, hàng hoá bông, vải sợi, giấy
– Các loại cây, cỏ , đặc biệt là loại cây gỗ mềm như thông, bồ đề, mía, ngô..
– Các loại giấy, bìa các tông.
– Các loại thực phẩm như bánh kẹo, khoai lang, khoai tây vv…
Sở dĩ mối thích cắn phá các loại trên vì trong chúng có chứa Senlunoza hoặc tinh bột hoặc đường là loại thức ăn lý tưởng của mối.
Các loại vật liệu mối không thể ăn, phá hoại:
– Các nguyên liệu hoặc sản phẩm bằng giấy nilon, cao su; kim loại, sành sứ, xi măng
Tính nguy hại của mối với công trình và thiết bị, hàng hoá:
Với công trình xây dựng việc mối cư ngụ làm tổ về lâu dài dễ gây sụt lún, nứt tường, móng, dột mái ẩm tường. Với những công trình đóng cọc móng bằng gốc tre tươi vào mùa khô khi nước rút, mối ăn ruỗng cọc dẫn đến công trình bị xuống cấp, thậm chí bị sụt nền, nứt tường rất nhanh.
Với những công trình văn hoá, ngoài làm xuống cấp công trình mối còn trực tiếp cắn phá làm hư hỏng các tác phẩm điêu khắc, hội hoạ quí như tranh, ảnh, tượng các bức hoành phi, câu đối, các bức trạm khắc gỗ.
Do mối thường mang theo đất ẩm để làm đường mui che thân trên đường di chuyển và để làm tổ nên dễ gây chập điện, nhất là tại các hộp kỹ thuật do ở đây có nhiều mối hở. Với các thiết bị điện tử, tin học hoặc các thiết bị kỹ thuật cao khác việc mối gây ẩm, phá hoại sẽ gây hư hỏng nặng, nhanh khó khắc phục
Với các loại vật tư hàng hoá công nghệ phẩm, thực phẩm như vải sợi, bánh kẹo việc mối xâm nhập phá hoại sẽ làm chất lượng hàng hoá bị xuống cấp, hư mục nhiều khi phải phá bỏ cả lô hàng, thậm chí cả kho hàng.
Khi nhà ở bị mối phải xử lý như thế nào cho hết mối?
Khi nhà ở bị mối cần tiến hành các bước sau đây:
– Xác định loại mối gây hại thuộc nhóm nào trong 3 nhóm: Mối gỗ ẩm, mối gỗ khô, hay mối đất
– Tuỳ theo loại mối mà sử dụng các biện pháp hợp lý để xử lý.
– Nếu là mối gỗ khô thì sử dụng thuốc dạng xông hơi hoặc dạng dầu, nước thuốc Cislin để xử lý.
– Nếu là mối gỗ ẩm thì phải sử dụng phương pháp bả độc hoặc biện pháp gây lây nhiễm bằng chế phẩm Mêtavinna 90 DP để xử lý diệt mối – diet moi chúa.
Nếu mối đất thì phải khoan, đào bắt tổ (nếu có thể) hoặc sử dụng chế phẩm Metavina 80LS để dội thấm xử lý.
Làm nhà mới như thế nào để không bị mối?
Để nhà mới không bị mối trong quá trình sử dụng, thì cần phải tiến hành các biện pháp phòng mối trong quá trình xây dựng công trình.
– Trước hết nếu nhà cũ hoặc nền đất cũ có mối, phải tiến hành diệt mối triệt để trước khi xây dựng công trình mới
Trong khi xây dựng mới phải xử lý nền móng công trình bằng cách:
– Tạo hàng rào phòng mối bằng chế phẩm Metavina 10DP, bao quanh cổ móng, phía ngoài công trình.
– Tạo lớp phòng mối bằng chế phẩm Metavina 10DP trước khi đổ lớp lót để lát nền và nhét đầy chế phẩm đã trộn với cát vào các khe kễ bên trong công trình.
– Ngâm tẩm cislin cho toàn bộ các cấu kiện gỗ, vật liệu gỗ.
– Ngăn ngừa mối cánh xâm nhập công trình hoặc diệt hết mối cánh bay vào công trình trong mùa bay giao hoan phân đàn (thường là vào tháng 3 hoặc tháng 7, 8 âm lịch) và thu gom hết các loại rác có chứa Xenlulôza còn lẫn trong nền đất hoặc bám dính tường, sàn công trình để hạn chế nguồn thức ăn có thể hấp dẫn mối.
Làm thế nào xác định được công trình đang bị mối gây hại ngầm?
– Đối với một cán bộ chuyên môn thuộc Trung tâm Thông tin Khoa học, công nghệ ( thuộc Sở khoa học và Công nghệ Hải Dương) việc xác định công trình có bị mối tấn công hay không là việc đơn giản. Tuy nhiên, đối với chủ công trình thường lại là điều khó khăn và chỉ khi công trình đã bị mối phá hoại hư hỏng nặng rồi thì mới phát hiện được và yêu cầu xử lý. Việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời giúp giảm thiểu tác hại của mối đối với công trình là rất cần thiết, như sau:
– Thực hiện kiểm tra thường xuyên, nhưng tập trung cao độ vào mùa xuân và mùa thu hàng năm vì có mưa nhiều, khí hậu ấm áp mối phát triển mạnh, dễ bộc lộ.
Trước hết cần thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu hoạt động của mối trong công trình như: vết đất, đường mui do mối đắp, phân do mối đùn ra từ trong gỗ, các vết gặm trên gỗ, ụ đất do mối đắp trên nền hoặc khe tường… Cần phân biệt giữa đất đùn lên do mối hay do các loài động vật và côn trùng khác là ở chỗ đất do mối đắp kết dính chặt với nhau, chứ không bở rời như động vật khác.
Điểm kiểm tra:
Với nhà cao tầng: Chú trọng các gầm cầu thang, công trình vệ sinh, các kho chứa hàng hoá bông vải sợi, thực phẩm chế biến như bia, rượu, đường, mì ăn liền, bánh kẹo vv…; các phòng có chứa nhiều giấy tờ, vật liệu gỗ, phòng liền kề vườn cây hoặc cây cổ thụ, các bức vách ngăn bằng gỗ, cót. Khi kiểm tra xem kỹ các chân bàn, tủ, giường gỗ, mặt sau tủ tiếp giáp tường xây.
Với nhà cấp IV kiểm tra kỹ các góc buồng, chân các cột nhà hoặc các vật dụng bằng gỗ hoặc tre, các phần tiếp giáp giữa đồ vật với tường xây, vách gỗ.
– Một việc cũng nên làm là định kỳ di chuyển, kiểm tra đồ đạc bằng gỗ và hộp carton đựng giấy, đồ vật hoặc quan sát khi quét dọn vệ sinh ở các vị trí kín đáo. Nếu phát hiện thấy mối bò thì chắc chắn trong nhà đã bị nhiễm mối.
– Công trình đã bị mối gây hại tương đối nặng khi thấy các hiện tượng sau: mối bay phân đàn từ các lỗ bay trong tường, trong gỗ; một số cấu kiện gỗ bị rỗng hoặc gãy đổ; mối xuất hiện đều khắp ở tầng I hoặc một số điểm trên tầng cao của toà nhà vv…
Ngoài kiểm tra trực tiếp công trình chính cần phải kiểm tra các công trình phụ trợ liền kề hoặc thảm cỏ gốc cây, ụ đất, đống củi… quanh công trình là nơi mối hay làm tổ hoặc dễ bộc lộ khi trời mưa ẩm.