Cơ quan quy định nhân viên nữ mặc đồng phục là áo sơ mi và mini-juýp nên mùa hè năm nào, chị Ngọc cũng phải đau đầu nghĩ cách chống nắng cho chân vì quãng đường từ nhà đến chỗ làm gần chục km.
Ban đầu chị dùng tất da chân để chống nắng song không hiệu quả vì chân liên tục đổ mồ hôi, thấm ra tất gây bức bí, khó chịu. Thời điểm tất phun xuất hiện trên thị trường, chị tốn khá nhiều tiền vào loại mỹ phẩm này, song cũng không khả quan hơn cho đến khi mua được váy chống nắng che được toàn bộ đôi chân khi đi ra ngoài.
Loại váy này có thiết kế khá đơn giản, gồm một mảnh vải khi cuộn lại có hình chữ A. Chiều dài của váy thường từ hông đến mắt cá chân được may thêm dây buộc hông, hoặc cạp chun để người sử dụng dễ dàng điều chỉnh. Giá bán sản phẩm này khoảng 80.000-150.000 đồng. Ngoài mức giá rẻ, tác dụng che được toàn bộ phần chân mặc váy ngắn hay quần soóc, quần ngố của loại phụ kiện này là một trong những yếu tố được quan tâm.
Chị Hương, nhà ở Hà Đông (Hà Nội) cũng chia sẻ, thời gian gần đây, bạn bè chị còn mách nhau mua loại váy chống nắng liền váy và áo. “Loại váy này không những có tác dụng chống nắng, mà còn rất thời trang. Nhìn giống như chiếc áo choàng, màu sắc cũng tươi tắn, không tạo cảm giác lùng bùng như khi mặc đồ chống nắng thông thường”, chị Hương nói. Giá mỗi chiếc váy như thế này khoảng hơn 100.000 đồng.
Tuy nhiên, theo khảo sát của VnExpress.net, hiện tại, có rất ít cửa hàng tại Hà Nội bày bán loại váy này, vì đây là sản phẩm do một trong những thành viên trên diễn đàn mạng tự nghĩ ra. Đây cũng là lý do loại phụ kiện này được bán phổ biến trên mạng, khách hàng cũng chủ yếu là giới sinh viên, công chức văn phòng có thói quen lướt net hàng ngày.
Chị Thu Nga, một người kinh doanh váy chống nắng trên mạng cho biết, cùng với các loại áo, khẩu trang hoạt tính, khẩu trang ninja…, loại váy chống nắng này khá đắt hàng. Trung bình mỗi ngày, chị Nga bán được khoảng 20-50 chiếc cho các mối mua lẻ và mua buôn. Với khách mua lẻ, mức giá là 80.000 đồng một chiếc. Khách mua buôn sẽ có mức giá ưu đãi hơn tùy số lượng nhiều hay ít.
Váy chống nắng được quảng cáo có tác dụng chống tia cực tím, nhập ngoại.
Còn chị Thúy, chủ nhân một shop thời trang online khác tiết lộ, trước đây chị vẫn hay lấy hàng tại một mối quen trên khu phố cổ. Tuy nhiên, từ khi giá nhập tăng lên, chị quyết định tự may váy chống nắng để bán. Chất liệu thích hợp nhất để may loại phụ kiện này, theo chị Thúy là vải thô loại mềm hoặc vải cotton vì nhẹ và thoáng mát. Chị này tính toán, mỗi mét vải thô mua tại chợ giá chỉ khoảng 30.000-35.000 đồng. May một chiếc váy hết khoảng một tấm khổ 1,2-1,5 mét. Do vậy tính ra vẫn khá lãi nếu bán với giá 80.000 đồng.
"Tuy nhiên, mình hay phải đi giao hàng, xăng đắt hơn trước nên phải tính thêm tiền vận chuyển đối với khách mua lẻ, thường là 10.000-15.000 đồng một lần giao hàng đến tận nhà", chị kể. Vì vậy để tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí xăng xe, với khách mua lẻ, nếu thỏa thuận được, thường chị hẹn nhiều người cùng một lúc để giao hàng cho tiện. Còn khách mua buôn với số lượng nhiều, có thể đặt hàng, đặt mẫu vải, mẫu hoa văn rồi đến hạn chị Thúy giao hàng tận nhà, miễn phí vận chuyển.
Giống cái tạp dề, là nhận định của đa phần các chị em trong lần đầu tiên nhìn thấy loại váy này. Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận đây là sản phẩm tiện ích để đối phó với cái nắng của mùa hè nóng bức.
Chị Thanh, nhân viên một ngân hàng trên phố Ngô Quyền cho hay, được bạn bè giới thiệu, chị tậu liền một lúc hai chiếc váy chống nắng, trong đó có một chiếc có giá hơn 300.000 đồng được quảng cáo là có tác dụng chống tia cực tím. "Chủ hàng quảng cáo đây là váy chống nắng nhập trực tiếp từ nước ngoài, kiểu như sa-rông, loại áo truyền thống của phụ nữ Ấn Độ và có tác dụng chống hoàn toàn tia cực tím nên giá đắt hơn ", chị Thanh hào hứng cho biết.
Tuy nhiên, theo một số người kinh doanh hàng chống nắng lâu năm, loại váy được quảng cáo có tác dụng chống tia cực tím này chưa được chứng minh. Chị Thúy, chủ shop thời trang online nói trên cho biết, loại váy này có thể có hàng xịn được nhập từ nước ngoài, nhưng cũng không loại trừ khả năng là hàng nhái được đẩy giá cao lên do người bán nắm bắt được nhu cầu "sính ngoại" của khách hàng.