Đã gần 5 năm nay, cứ sẩm tối là chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở Thái Bình cùng với 2 "đồng nghiệp" và cũng là đồng hương đã có mặt trên đoạn phố Tràng Tiền trước cửa quầy kem và nhà hát kịch với những chiếc can dien tu. Thay cho tiếng rao của người, bây giờ những chiếc cân điện tử "biết nói" luôn mồm rao lanh lảnh. Ba chị ngồi lẳng lặng ở ba góc. Chốc chốc có khách, chiếc bảng điện tử trên chiếc cân lại chạy rào rào những con số thông báo về chiều cao, cân nặng…
Chị Hoa kể: "Khi chưa có cân điện tử thì chị cũng đã ở phố này làm "nghề" cân đo sức khoẻ, với cái cân bàn cổ lổ sĩ. Với loại cân ấy, khách chỉ cần đứng lên đợi cho cái kim quay để xem mình nặng bao nhiêu. Khi có loại cân mới đa năng, đo được cả chiều cao, sức khoẻ, huyết áp, thử sức kéo là chị đầu tư tiền mua ngay.
Cũng theo chị Hoa do khu phố này đông khách nên thu nhập của các chị cũng khá. Trung bình mỗi ngày được khoảng 40-50 nghìn đồng. Những chiếc cân của các chị vào loại "xịn" hiện nay với giá mua tới 7 triệu đồng. Còn những chiếc cân điện tử loại "mèng mèng" thì chỉ 3-4 triệu. Thậm chí có cả loại do Trung Quốc sản xuất 1-2 triệu. Tuy nhiên, loại này hay trục trặc ở phần bảng điện tử và đôi lúc âm thanh phát ra không tròn tiếng.
Gần đó, ngay trước cửa trung tâm thương mại Tràng Tiền cũng có ba bốn người bày cân chờ khách, mỗi người cách nhau vài mét. Anh Đào Duy Tân cho biết: "Tưởng là mạnh ai người nấy làm những lại không phải thế. Phải chia khu vực rõ ràng, không ai "xâm lấn địa phận" của ai. Khách của ai người ấy thu! Nếu không là đánh cãi nhau ngay. Thậm chí còn bị anh em trong "hội cân" đánh hội đồng, phá hỏng cân là khác". Chỉ những ai có "thâm niên" trong nghề và có "bản lĩnh" một chút (bản lĩnh theo cách nói của anh Tân là phải hơi "gấu" để không bị kẻ khác cướp khách, xâm phạm lãnh địa) thì mới kiếm được những chỗ ngồi cố định có thu nhập cao.
Không được may mắn như những người có chỗ ngồi cố định, hầu hết dân cân đo sức khoẻ phải đi rong. Có người vác cân trên vai, cũng có người gắn thêm vào bàn cân mấy cái bánh xe để đẩy (loại có bánh xe thường đắt tiền hơn). Chị Phan Thị Tâm, hành nghề ở đường Xuân Thuỷ, Cầu Giấy kể, trung bình mỗi ngày chị phải đẩy cần đi rong vài ba chục km. Mệt mỏi, nóng bức là thế nhưng gặp ngày "hên" cũng chỉ được 25-30 nghìn đồng. Chẳng may phải những hôm mưa thì có nước "treo niêu".
Anh Trần Thanh Phong, quê Nam Định "hoạt động" ở khu vực các đường Trường Chinh, Giải Phóng, tâm sự: "Thu nhập của chúng em thất thường lắm! Cứ như người đi câu ấy! Nhưng dù sao thì cũng đỡ hơn là ở quê làm ruộng. Ra đây thế này còn có đồng ra đồng vào cho con cái đi học, ngày lễ ngày Tết, vợ chồng con cái còn có miếng thịt".
Chấp nhận làm cái nghề này cũng đồng nghĩa với việc phải chịu nhiều nỗi cực nhọc. Đã có những người mới ngày đầu bước chân vào nghề cân đo rong này chưa biết "luật" "đất có thổ công, sông có hà bá", trót vác cân đi "nhầm chỗ" của người khác đã bị đánh một trận tả tơi, sợ mà không dám trụ lại với nghề. Nhưng khổ nhất phải kể đến đội ngũ cân đo sức khoẻ là chị em phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Phương, quê ở Hưng Yên hồi mới ra Hà Nội thì làm nghề gồng gánh ở chợ Long Biên. Thấy chị em làm cân đo vừa nhàn mà thu nhập cũng khá hơn nên về bàn với chồng (cũng làm thuê ở chợ Long Biên) chuyển nghề. Tuần đầu tiên đi làm, chị bị 3 thằng nghiện đói thuốc đẩy ngã rồi cướp mất cân, chân tay sưng tím, phải nằm ở nhà trọ bóp lá thuốc mất cả tháng. Không ít gia đình, cả cặp vợ chồng cùng "dắt cân đi dạo".