Với mức phí 75 bảng (120 USD) một giờ, Salgado – Reyes nhận những vụ từ lặt vặt đến phức tạp nhất: tìm người mất tích, chấp hành lệnh của tòa, theo dõi những hành vi gây rối trật tự công cộng như đập phá hay hàng xóm ồn ào, những vụ lừa đảo, hoặc đơn giản là giúp những người nghi rằng nhà họ đã bị đột nhập kiểm tra lại.
Những người làm nghề
Thám tử tư như Salgado-Reyes không khó tìm ở Anh. Nhưng còn có một khía cạnh khác của công việc này. Họ trở thành trung gian cho các cuộc điều tra của “cảnh sát bẩn,” để tuồn thông tin về các tội ác và những người bị tình nghi cho phóng viên các tờ báo lá cải.
Báo chí hoạt động quá tự do
Giữa những ồn ào của vụ nghe lén điện thoại kéo dài hai tuần qua ở Anh, các chiến thuật bất hợp pháp của những tờ báo lá cải, quan hệ thân tình giữa báo chí và cảnh sát, ảnh hưởng của truyền thông lên các chính trị gia, tất cả hé lộ dần những góc tối trong thế giới ngầm của một thế giới chính thức, đường hoàng, trang nghiêm tại London.
Reuters dẫn lời một cựu thanh tra giấu tên của Sở cảnh sát trung tâm London nói một số trường hợp ranh giới giữa một cuộc điều tra cá nhân và tội ác có tổ chức là không tồn tại. “Một số thám tử tư hoạt động đại diện cho những công ty tội ác ăn cắp thông tin, xác nhận những nguồn tin có khả năng đưa ra thông tin bất lợi cho họ, những kẻ cạnh tranh, hay lên kế hoạch làm vấy bẩn những kẻ cạnh tranh,” nguồn tin nói.
“Họ cũng được sử dụng để xâm nhập vào các cơ quan thực thi pháp luật để tìm kiếm thông tin. Từ trước đến giờ vẫn luôn như thế, nhưng sự khác biệt là chưa bao giờ chúng ta có nhiều thông tin như lúc này.”
“Tôi biết có những người từng làm thám tử tư bị kết án,” Salgado-Reyes nói với Reuters. “Nếu các thám tử tư cung cấp dịch vụ cho tội phạm có tổ chức, thì tôi coi họ cũng là tội phạm.”
Nhiều người đang muốn thay đổi điều đó, các nhà hoạt động của một nhóm có tên gọi Hacked Off đang vận động để có những quy định ngặt nghèo hơn với hoạt động quá tự do của báo chí hiện giờ, khi những tờ báo lá cải sẵn sàng bỏ tiền thuê các thám tử tư để có thông tin mà họ cần.
Một thám tử như thế đóng vai trò chủ chốt trong vụ bê bối đóng cửa tờ News of the World, vụ việc ảnh hưởng tới cả vận mệnh chính trị của Thủ tướng Anh David Cameron. Jonathan Rees, một tội phạm đã bị kết án, từng thường xuyên bán thông tin cho NoW và các tờ báo khác, theo tài liệu của cảnh sát mà Reuters có được qua nhà nghiên cứu Graeme McLagan.
Câu chuyện của Rees
Vào những năm 1990, Rees là một tay môi giới thông tin nổi tiếng ở Anh. Chuyên ngành của Rees là mua lại thông tin từ cảnh sát và nhân viên công vụ, theo lời McLagan, tác giả nghiên cứu Bent Coppers về tham nhũng trong lực lượng cảnh sát London. Sau khi có được thông tin, Rees sẽ kết nối cảnh sát với báo chí để kiếm tiền.
Trước những cáo buộc, luật sư của Rees, Nigel Shepherd, trả lời Reuters qua thư điện tử rằng “không chỉ News International có thể đã vi phạm pháp luật… chỉ là giới truyền thông đang chơi trò săn phù thủy với News International.”
Theo báo Anh Guardian, những mục tiêu của Rees bao gồm những thành viên hoàng gia Anh, các quan chức ở ngân hàng trung ương, những ngôi sao nhạc rock như Mick Jagger và George Michael, gia đình của Peter Sutcliffe – một kẻ giết người hàng loạt, và những chính trị gia hàng đầu.
Rees chưa bao giờ bị buộc tội do liên quan đến việc thu thập thông tin cho báo chí, nhưng là nhân vật chính trong vụ bê bối hiện giờ, vì ông từng làm việc cho NoW vào năm 2005 sau khi ra tù. Rees bị kết án vì đã cố tình làm sai lạc quá trình điều tra một vụ bắt giữ liên quan tới trẻ em.
Khi đó, tổng biên tập của NoW là Andy Coulson. Coulson đã buộc phải từ chức vào năm 2007 khi một thám tử tư khác của tờ báo, Glenn Mulcaire, phải ngồi tù vì ăn cắp thông tin trên thư nhắn thoại của những người làm việc cho hoàng gia. Tuy nhiên, sau đó Coulson khẳng định ông không biết gì về vụ việc và được mời làm giám đốc truyền thông cho ông David Cameron.
Tháng 4/2008, Rees và ba người khác bị bắt giữ vì tình nghi sát hại đối tác làm ăn cũ của Rees, Daniel Morgan. Morgan đã chết hồi năm 1987, bên ngoài quán rượu Golden Lion ở Sydenham, bên cạnh chiếc BMW của ông, với một cái búa găm vào đầu.
Gia đình Morgan nói ông đã phát hiện ra thông tin về tình trạng tham nhũng trong giới cảnh sát vài tuần trước khi ông bị giết. Vụ án đó đã kéo dài 20 năm mà không có kết quả. Rees bị bắt giữ, nhưng sau đó đã được thả ra và vụ giết người giờ trở thành vụ sát nhân không được giải quyết dài nhất nước Anh. Tháng 3/2011, bình luận về việc không tìm ra được thủ phạm, chánh thanh tra cảnh sát Hamish Campbell nói các bằng chứng ban đầu đã bị sai lạc và “thông tin về tham nhũng của cảnh sát là một yếu tố gây nhiễu.”
Shepherd, luật sư của Rees, nói với Reuters: “Chúng tôi khẳng định rằng ông Rees đã được tuyên bố vô tội và được phóng thích vào ngày 11/3/2011”. Các nghị sĩ Anh giờ muốn biết Coulson biết gì về quá khứ của Rees. Coulson đã rời cương vị giám đốc truyền thông cho Cameron vào tháng Giêng năm nay khi cuộc điều tra nghe lén điện thoại được mở rộng. Tuy nhiên, dư luận chưa thể hài lòng.
Vì sao nhà chức trách làm ngơ?
Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà chức trách ngoảnh mặt làm ngơ trước những hoạt động của Rees suốt từ những năm 1990 tới giờ? Điều gì đã xảy ra với những cảnh báo từ Alan Rusbridger, tổng biên tập tờ Guardian, và đối tác chính trị của ông Cameron, lãnh đạo Đảng dân chủ tự do Nick Clegg, cả hai đều đã lên tiếng về quan hệ giữa Coulson với Rees?
Rebekah Brooks, người tiền nhiệm của Coulson ở NoW, nói trong cuộc điều trần trước ủy ban của Quốc hội Anh rằng bà chưa bao giờ gặp Rees, nhưng thừa nhận việc ông này được thuê trở lại báo dù đã ngồi tù là “hết sức kỳ lạ”. Bà Brooks nói bà không biết ông làm gì cho tờ báo.
“Lòng tin của dân chúng vào hệ thống tố tụng hình sự đang đứng trước thử thách,”, Jenny Jones, thành viên của Sở cảnh sát trung tâm (Met), nói với Reuters. “Tôi không cho rằng chúng ta đã giải quyết được vấn đề và vẫn cần phải dọn dẹp đống hỗn loạn này,” Jones nói. “Chúng ta phải trở về thời của Jonathan Rees để biết chính xác cần phải làm gì để giải quyết dứt điểm vấn đề tham nhũng liên quan tới Met và những thám tử tư.”
Tháng 5/2006, Ủy ban thông tin (ICO), một tổ chức phi lợi nhuận, công bố một nghiên cứu về chỉ duy nhất một thám tử tư, Steve Whittamore. Trong nghiên cứu, ICO phát hiện 305 nhà báo khác nhau đã yêu cầu ông cung cấp 13.343 tin tức về các cá nhân trong vòng ba năm, 11.345 trong số đó là “chắc chắn hoặc rất có thể” vi phạm luật bảo vệ thông tin cá nhân. Một báo cáo khác của ICO cho thấy những tờ báo mua tin nhiều nhất từ Whittamore là Daily Mail, Sunday People, Daily Mirror, Sunday Mail và NoW.
Tổ chức Hiệp hội các thám tử tư Anh quốc (ABI) nói có khoảng 3.500 người làm nghề này trên toàn nước Anh, nhưng chỉ 500 người thuộc ABI. Theo lời Tony Imossi, chủ tịch 98 tuổi của ABI, việc các thám tử tư tìm kiếm thông tin rất đơn giản.
“Sau vài chai bia trong một quán rượu,” Imossi nói. “Ai đó nói, giúp tớ một việc nhé, tớ đang muốn tìm ai là chủ chiếc xe mang biển số này, cậu kiểm tra hộ tớ nhé. Viên sĩ quan cảnh sát lẽ ra phải nói ‘không được, chuyện này phạm luật.’ Nhưng sau bốn chai bia, thường câu trả lời sẽ là, có gì đâu, đợi tớ tí. Không dễ từ chối những đề nghị như thế, nhưng tôi nói như vậy không phải là để bao biện cho họ. Phạm luật là phạm luật.”/.
Các nhà hoạt động của một nhóm có tên gọi Hacked Off đang vận động để có những quy định ngặt nghèo hơn với hoạt động quá tự do của báo chí hiện giờ, khi những tờ báo lá cải sẵn sàng bỏ tiền thuê các thám tử tư để có thông tin mà họ cần.