Đi giữa sân trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TP.HCM, anh chàng Mak Razafinoramacy (người Pháp) nổi bật hẳn với chiều cao gần 1,9m. Tuy có bề ngoài hơi lạnh lùng nhưng kỳ thực, Mak rất cởi mở. Mak cho hay, mấy năm nay, anh đang theo ngành văn minh toàn cầu tại Học viện Quốc gia Inalco (Paris). Quan tâm đến một số nước châu Á, trong đó có VN, Mak tham gia những kỳ học hè tại Hà Nội và TP.HCM. “Tôi vừa học tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đó” – Mak nói khá rành rọt bằng tiếng Việt.
Mak chia sẻ: “Ở Paris, tôi thường đọc một tờ báo bằng tiếng Việt trên internet. Nhưng khi có dịp du học – du hoc tại VN, tôi thấy cách nói chuyện hằng ngày của người VN khác hẳn cách viết tiếng Việt của tờ báo bên Pháp”. Để nói tiếng Việt sõi, lại nói được cả một vài từ lóng, Mak đúc kết: “Học tiếng Việt phải chú ý đến hai chuyện quan trọng. Thứ nhất là phát âm. Thứ hai là phải “dịch” cách suy nghĩ của người châu Âu cho phù hợp với người Việt, vì văn hóa có khác nhau”. Anh chàng này còn bật mí là ngày nào cũng uống cà phê đá ở vỉa hè để trò chuyện với chủ quán, với những khách hàng khác.
Hè năm nay, Mak đã có một chuyến đi thăm ĐH Cần Thơ mà anh tự đánh giá là “rất thú vị”. Ở đó, Mak làm quen với một sinh viên học ngành thú y. “Nói chung, tôi chủ động bắt chuyện ở mọi nơi mọi lúc có thể. Tôi cố gắng thực hiện đều đặn lịch học 5 lần/tuần gồm nghe – nói, đọc báo in hoặc báo mạng bằng tiếng Việt. Và chỉ tiêu tự đặt ra của tôi là: Mỗi ngày học thuộc ít nhất 4 từ mới!”.
Kết bạn học tập
Khi đến thuê căn nhà trọ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM), Lee Jae Hyuk, 23 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc – không ngờ mình sẽ có dịp kết bạn với một người hàng xóm dễ thương.
Hàng xóm của Lee là Nguyễn Thị Thanh Hằng (sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) đang theo học tiếng Hàn gần một năm nay. Còn chàng Lee thì đã học tiếng Việt 2 năm tại trường ĐH Chung Woon, Hàn Quốc. Sống cạnh nhà, lại có nhu cầu học tiếng của nhau nên Lee và Hằng trở thành đôi bạn thân từ lúc nào chẳng rõ. Trưa 26.8, chúng tôi gặp Hằng đang nhiệt tình giúp Lee ôn bài tại một phòng học tập thể. Lee cho biết, trong ngày 27.8, Lee thi vào trường ĐH Sư phạm TP.HCM (khoa ngữ văn) nên phải tranh thủ xem bài. “Học tiếng Việt rất khó, nhất là về các dấu. Mình thường thực hành qua việc xem ti vi kênh tiếng Việt, nghe nhạc Việt, đi uống bia hay cà phê với những bạn VN” – Lee bộc bạch. Nói về cơ duyên yêu thích tiếng Việt, Lee chỉ thổ lộ ngắn gọn: “Vì anh trai của Lee đang làm việc tại VN và đã lấy vợ Việt”.
Cũng như Lee – Hằng, Pasle Hyung Ju (khoa Việt Nam học – trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và Minh (học viên Trung tâm Hàn ngữ) cũng là “đôi bạn cùng tiến” giúp nhau trong việc thực hành ngoại ngữ. Là người du học tự túc nhưng Pasle nhận xét: “Học phí cho du học sinh tại VN rất rẻ, chỉ khoảng 700 USD cho cả một học kỳ 6 tháng”.
Trở thành người Việt Nam!
Trong khi đó, Aphilak Siaonouvong (Lào) cho biết cô du học tại VN theo chương trình “Đào tạo giữa TP.HCM với TP Viêng Chăn và các tỉnh thuộc nước CHDCND Lào”. 21 tuổi, Aphilak đã có 4 năm sống và học tập tại VN. Hiện cô là sinh viên khoa quan hệ quốc tế, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Aphilak tâm tình: “Những ngày đầu đến VN, em không biết một chữ tiếng Việt nên khi mua thức ăn là cứ lấy tay chỉ. Em cũng không dám đi đâu vì sợ. Còn bây giờ, nhiều người nhầm em là người VN rồi!”. Đồng hương của Aphilak là chàng trai Khamla Heungviseth (Học viện Hành chính cơ sở phía Nam) cho biết thêm: các bạn thường giao lưu với những sinh viên VN bằng cách đá bóng, đá cầu, văn nghệ…
Các chương trình học dành cho người nước ngoài
– Khoa Việt Nam học và tiếng Việt thuộc trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang có những chương trình đào tạo cho người nước ngoài như sau: cử nhân Việt Nam học (chương trình này mới mở gần đây); cử nhân tiếng Việt và văn hóa VN; chương trình học tiếng Việt ngắn hạn.
– Khoa Việt Nam học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thường xuyên tổ chức những khóa dạy tiếng Việt ngắn hạn (khoảng từ 2 tháng trở lên) và chương trình đào tạo bậc ĐH.