Mối thường hại nặng cây con trong mùa khô, mối tập trung hại ở những nơi có độ ẩm đất 50-60%, có nhiều sản phẩm thực vật bán hoai mục như thân, lá cây khô, rễ cây mục nát… (là thức ăn khoái khẩu của mối). Trong vườn ươm, mối chủ yếu tấn công hạt hoặc hom giống, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sinh trường của cây con, giảm chất lượng của cây giống. Ta cần tiến hành một số biện pháp phòng trừ mối hại sau đây:
– Mua thuốc trừ mối dạng bột, đem trộn vào giá thể dùng để cho vào bầu ươm cây giống (gieo hạt giống, ươm hom, hoặc cấy cây con) theo tỉ lệ như hướng dẫn trên bao bì để đề phòng mối xâm nhập vào bầu ươm.
– Trước khi xếp bầu vào luống trong vườn ươm, cần dùng thuốc trừ mối dạng dung dịch phun khắp khu vực vườn ươm, mối phát hiện thấy mùi thuốc sẽ không đến khu vực phun thuốc, tránh được mối tấn công cây con trong giai đoạn này.
– Ngoài ra, cũng có thể dùng thuốc diệt mối tận gốc, làm hố bẫy mối quanh khu vực định làm vườn ươm trước 1 tháng, cách làm như sau: Khoảng 100-200 m2 đất làm một hố bẫy có kích thước 0,5-0,6m chiều dài, 0,5-0,6m rộng, 0,4-0,6m sâu. Dùng loại thực vật mối thích ăn như rơm, rạ hoặc lá cọ khô, chặt ngắn 0,2-0,3m. Tưới nước đường (đường ăn) nồng độ 5% đủ ẩm vào hố bẫy để dụ mối đến ăn. Lấp đất dày 15-20cm, sau khoảng 15-20 ngày thăm thử, nếu thấy mối đến nhiều, dùng lọ thuốc trừ mối tận gốc (dạng bột mịn có bán tại các cửa hàng bán thuốc BVTV phun vào mối thợ, các con mối nhiễm thuốc, sau 2-3 ngày sẽ chết và sẽ gián tiếp đầu độc nhau khi thuốc dính vào. Khi mối chúa nhiễm thuốc do tiếp xúc với mối thợ khi giao phối sẽ chết và đàn mối bị tuyệt giống, nạn mối được trừ tận gốc trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Sau thời hạn trên có thể mối ở các vùng lân cận di chuyển đến, nên ta thường xuyên phải kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Trừ mối hại cây trồng nơi sản xuất
– Đối với cây ngắn ngày như khoai lang, khoai tây, đậu phộng (lạc),… dùng thuốc trừ sâu: Vibasu 10H; Bam 5H hoặc Basudin 5H, lượng 1-1,2kg/sào Bắc bộ (360 m2), rắc đều vào ruộng khi làm đất, hoặc trộn đều với đất, phân theo rạch hay hốc.
-Đối với cây lâm nghiệp (bạch đàn, thông, phi lao): Cần vệ sinh vườn, rừng trước khi trồng cây con, dọn sạch cành, lá khô, vì cành, lá khô là thức ăn của mối, nhử mối đến.
Khi thấy mối phá hại, ta tiến hành làm hố bẫy mối diệt trừ tận gốc như cách làm đối với trong vườn ươm. Khoảng 500-1.000 m2 vườn rừng đào một hố.
-Dò tìm tổ mối, dùng thuốc diệt mối tận gốc phun trực tiếp vào trong tổ để trừ mối chúa.
Trồng tăng mật độ, đến khi cây vượt qua giai đoạn hay bị mối hại ta tiến hành tỉa thưa đảm bảo mật độ như đã định.
-Những khu vực nhiều mối, khi trồng rừng tái sinh chọn những cây đề kháng cao với mối như: Keo các loại, lim, lát… Tránh trồng những cây dễ bị nhiễm mối như: bạch đàn, phi lao, thông,…
Tốt nhất nên trồng cây con có bầu nilon chứa giá thể đã trộn thuốc chống mối vào khu vực có nhiều mối hại, khi thuốc hết tác dụng cũng là lúc cây lớn, vượt qua giai đoạn hay bị mối hại.