Nỗi oan của giậu mồng tơi
Người miền Trung xứ nắng quê tôi thường chọn những loại cây làm rào là loài mọc thẳng, không quá cao, không quá um tùm, sum suê, dễ đan khóm vào nhau và tỉa nắn ngay hàng. Dâm bụt (có nơi gọi râm bụt), keo giậu (còn gọi là bình linh, táo nhơn… ), cây tô phượng (còn gọi là tô mộc hay gỗ vang), mồng tơi… là những loại cây giải pháp tốt cho rào giậu vì chúng thật dễ trồng, mặt khác, ngoài chức năng "biên phòng" cho mảnh vườn, ngôi nhà thì chúng còn tham gia vào đội văn công "cây nhà lá vườn" để tăng hương sắc cho những bữa ăn dân dã, làm nguyên liệu cho những bài thuốc dân gian gần gũi nhất.
Những trận mưa bão dài ngày, chợ búa ế ẩm, xơ xác, mẹ tôi chỉ đội nón ra bờ rào ngắt vài ngọn mồng tơi là đã có một bữa canh ngon. Ba đi làm rẫy bị trầy tay chân, máu ra nhiều, mẹ cũng dùng lá cây tô phượng đắp lên chút là cầm ngay. Thằng em bị sán kim hành, đêm ngứa ngáy khóc hoài, sáng hôm sau con chị trảy ít hạt keo giậu cho ăn là khỏi (nên dân gian còn gọi cây này là keo giun)…
Chưa kể, vào mùa thu, mùa đông người ta thường dọn, tỉa rào, rút được cơ man nào là củi rèo, phơi khô, chụm bếp cũng qua được cả mùa tết.
Ngoài cái "công năng xác lập chủ quyền" và đem lại sự an tâm cho gia chủ, hàng rào còn là một phương tiện để chia sẻ nghĩa tình với xóm giềng. Hơn cả, là làm nhân chứng lẫn tội đồ cho biết bao cuộc tình mùi mẫn trong dân gian. Có lẽ cô gái "thò tay em bứt cọng ngò / thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ" cũng chỉ dám ngó anh trai nhà hàng xóm qua mấy cái khoảng hở thấp thoáng của cái giậu rào. Thế rồi, cũng ăn theo cái tư duy cảm tính thiếu bản lĩnh đó, mà hàng rào cũng từng bị cái anh nhà quê ẻo lả sến sồ trong thơ Nguyễn Bính một hôm lên giọng vu khống một cách trắng trợn (giá đừng có giậu mồng tơi / thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng… ).
Người quê tôi còn có thói quen trồng cây lớn (như mít, xoài, mận, me, ổi, mãng cầu… ) ở trên làn ranh hàng rào – hang rao như mấy góc hàng rào, ngoài mục đích "xác lập chủ quyền bền vững", còn để là dịp xóm giềng cùng chung chia những mùa quả ngọt.
Người ta nói có qua có lại mới toại lòng nhau, nên cứ đến mùa trái chín ngoài rào, hễ quả ấy thuộc phần tán cây nhà nào thì nhà đó cứ việc hái, rồi bưng qua bưng về chia nhau từng miếng mít, trái xoài, ăn lấy thảo. Nhà này nấu được món ngon bao giờ cũng dành một tô, một đĩa đứng bên rào í ới gọi nhà kia cùng thưởng thức… Nhờ vậy mà trên cơ sở "yên tâm về ranh giới", cái hàng rào làm thăng hoa thêm tình nghĩa xóm giềng, đảm bảo cái không gian riêng từng gia đình lại triển nở những hành xử tốt đẹp chung trong quan hệ nhân quần.