Các phi công lái máy bay, lính thuỷ, xe ô tô, khách du lịch trên toàn thế giới đều sử dụng hệ thống này.
Nó đóng vai trò then chốt tạo nên "trí thông minh" cho các hệ thống vũ khí công nghệ cao của Mỹ trong các cuộc chiến tranh gần đây như chiến tranh Vùng Vịnh (1991), chiến tranh Cosovo (1998), chiến tranh Afghanistan (2001) và chiến tranh Iraq (2003).
Trong tương lai, hệ thống GPS sẽ là yếu tố có ý nghĩa quyết định hiệu quả tiến công của các loại vũ khí của Mỹ, từ tên lửa chống xe tăng đến các tên lửa xuyên lục địa trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào.
Vì thế, Washington vừa muốn độc quyền công nghệ dẫn đường và định vị toàn cầu, vừa muốn lôi kéo các nước khác cùng khai thác hệ thống GPS để buộc họ phụ thuộc chính trị vào Mỹ. Trong trường hợp có mâu thuẫn, Mỹ thường dễ dàng từ chối bất kỳ quốc gia nào sử dụng hệ thống GPS của họ.
Là những cường quốc lớn và biết rõ ý định của Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia ở Châu Âu quyết định xây dựng và khai thác hệ thống định vị toàn cầu của riêng họ. Cuối năm 2006, Nga đã phóng thêm một số vệ tinh lên quỹ đạo, đưa hệ thống định vị bằng vệ tinh của họ GLONASS (Global Navigation Systems) vào sử dụng trên quy mô toàn cầu và bắt đầu cạnh tranh với GPS của Mỹ.
Theo cam kết của các nhà quân sự, đến năm 2007, người Nga có thể sử dụng hệ thống GLONASS có tính năng không kém gì hệ thống GPS của Mỹ. Đến năm 2009, hệ thống GLONASS sẽ bao quát quy mô toàn cầu. GLONASS còn có ứng dụng dân sự rất đa dạng.
Có thể lắp hệ thống định vị toàn cầu GLONASS ngay trên xe ô tô và di chuyển một cách chính xác từ điểm A đến điểm B bất kỳ trên Trái Đất mà không cần liếc mắt vào bản đồ.
Cũng có thể bỏ vào túi áo trẻ em một thiết bị điện tử nhỏ xíu và ngồi ở nhà hoặc ở cơ quan sử dụng máy tính điện tử để biết chính xác con trẻ đang ở đâu. Thiết bị điện tử nhỏ xíu này cũng có thể gắn trên chó cảnh hoặc mèo cảnh để đề phòng động vật cảnh bị thất lạc.
Trong khi độ chính xác tối đa khi định vị mục tiêu của hệ thống GPS của Mỹ là 5 mét, thì độ chính xác của GLONASS còn cao hơn nhiều, vào khoảng 1 mét.
Nếu GPS chỉ nhận tín hiệu dẫn đường từ các máy móc trong hệ thống của Mỹ, thì hệ thống GLONASS của Nga có thể làm việc theo tín hiệu của cả 3 hệ thống GLONASS, GPS của Mỹ và hệ thống định vị toàn cầu GALILEO của Châu Âu.
Ngoài ra, nếu hệ thống của Mỹ chỉ hoạt động trên 1 tần số, thì hệ thống định vị toàn cầu của Nga làm việc trên nhiều tần số. Người Mỹ cũng có một tần số thứ hai nhưng chỉ để sử dụng phục vụ mục đích quân sự và được mã hoá tuyệt đối.
Nếu xẩy ra xung đột vũ trang, Lầu Năm Góc có thể loại bỏ tần số định vị toàn cầu sử dụng vào mục đích hoà bình. Còn hoạt động phục vụ dân sự của hệ thống GLONASS không bị ảnh hưởng của chiến tranh. Nó vừa tạo khả năng dẫn đường cho các phương tiện dân dụng, vừa có thể dẫn mọi tên lửa có độ chính xác cao bay đến bất kỳ điểm nào trên Trái Đất.
Để hệ thống GLONASS hoạt động trên lãnh thổ Nga, trên quỹ đạo phải có ít nhất 18 vệ tinh. Hiện nay Nga mới chỉ có 17 vệ tinh. Năm 2007, Nga sẽ phóng thêm một vệ tinh nữa lên vũ trụ và phóng thêm nhiều vệ tinh khác để thay thế vệ tinh đã cũ.
Đến năm 2009, xung quanh Trái Đất sẽ có 24 vệ tinh GLONASS của Nga, cho phép sử dụng hệ thống này trên quy mô toàn cầu.