Phương pháp tắm thuốc xuất hiện từ ở Trung Quốc, cách đây hàng nghìn năm. Sách Lễ ký viết: "Đầu bị lở loét nên gội, thân mình có bệnh nên tắm". Sách Hoàng đế nội kinh khuyên rằng, nếu bị ngoại tà xâm nhập, nên tắm, ngâm cho ra mồ hôi để tà khí theo đó mà ra ngoài. Đặc biệt, cuốn Lý thược biền văn của Ngô Sư Cơ (đại biểu lỗi lạc của Dược dục liệu pháp) đã giới thiệu 79 phương thuốc tắm ngâm độc đáo.
Ở Việt Nam, dân gian cũng thường dùng nước sắc cây cỏ để tắm, ngâm với mục đích điều trị các chứng thấp khớp, mỏi mệt, săn chắc da, dị ứng, lở ngứa, trĩ hạ…(tam thuoc)
Tùy theo phần thân thể ngâm trong dịch thuốc nhiều hay ít, người ta chia Dược dục liệu pháp làm 3 loại sau:
– Toàn thân dược dục: Ngâm toàn bộ cơ thể trong dịch thuốc (chứa trong bồn 250-300 lít) 20-30 phút, mỗi ngày 1 lần, 10 lần là 1 liệu trình. Thường dùng cho các bệnh lý nội khoa và da liễu.
– Bán thân dược dục: Ngâm nửa dưới cơ thể trong dịch thuốc, bệnh nhân ngồi cho nước ngập tới rốn. Mỗi lần ngâm trong 20-30 phút, mỗi ngày 1 lần, 10 lần là 1 liệu trình. Thường dùng cho các bệnh lý chi dưới như viêm khớp gối, viêm tắc động mạch chân, liệt bại hai chân.
– Cục bộ dược dục: Ngâm một bộ phận của cơ thể trong dịch thuốc hoặc tiếp xúc với dịch thuốc nhiều lần, bao gồm ngâm tay, ngâm chân, ngâm tứ chi, ngâm đầu, rửa mắt, rửa mặt… Riêng ngâm chân được chia làm hai hình thức: ngâm chân thấp và ngâm chân cao. Ngâm chân thấp (dịch thuốc chỉ ngập đến mắt cá) thường dùng cho những chứng như nấm chân, ra mồ hôi lòng bàn chân, bỏng bàn chân, bong gân khớp cổ chân, viêm xương gót… Ngâm chân cao (dịch thuốc ngập đến tận đầu gối) thường dùng cho những bệnh viêm khớp, viêm dây thần kinh, tê bì chi dưới, viêm tắc động mạch, các bệnh ngoài da ở hai chân.