Xe ôm làm thám tử
Theo một địa chỉ quảng cáo dịch vụ thám tử tư trên tờ rơi được tiếp thị tận nhà, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được đến tận nơi, trong một con hẻm có tới 3 cái “xuyệt”. Khác hẳn với hình dung ban đầu, “văn phòng” của thám tử TL chỉ là một cái bàn nhỏ dùng để tiếp khách bên trong một quán cơm bình dân với đủ loại âm thanh của thực khách, mùi vị của thức ăn. Dường như biết được sự e ngại của khách hàng, “thám tử” TL giải thích: “Do tính chất công việc nhạy cảm nên phải ngụy trang như thế này để không bị để ý” (?!).
Sau một hồi lân la hỏi thăm, những người hàng xóm cho biết công việc hằng ngày của “thám tử” TL là chạy xe ôm. Trong một lần tình cờ được khách hàng – vốn là mối ruột đi xe hằng ngày thuê theo dõi giờ giấc đi học của cậu con trai với thù lao được trả gấp đôi cho cả ngày chạy xe ngoài đường vất vả, thấy dễ ăn nên mới nghĩ đến việc rủ thêm người, in tờ rơi quảng cáo và lập “văn phòng” thám tử tư.
Với những địa chỉ cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hơn thì có hẳn một website với những bài PR hoành tráng bằng những câu chuyện “phá án” ly kỳ. Các thám tử được quảng cáo không kém gì những Sherlock Holmes thứ thiệt với các kỹ năng, kiến thức của điều tra viên, luật sư, chuyên gia tâm lý… Chưa kể có nơi còn tự giới thiệu quy mô công ty có tầm cỡ quốc tế, chi nhánh có mặt nhiều nơi trên thế giới với đủ loại hình dịch vụ: quan hệ gia đình, tìm hiểu đối thủ trong lĩnh vực kinh doanh, xác minh nhân thân…
Tùy theo tính chất sự việc, đối tượng cần theo dõi, phạm vi hoạt động và từng gói dịch vụ mà có giá khác nhau. Khách hàng có thể ký hợp đồng theo ngày, tuần hay tháng với mức giá dao động từ 1 – 2 triệu đồng/ngày, trong phạm vi bán kính từ 100 – 500 km thì có giá gấp đôi. Khách hàng trả trước 50% phí dịch vụ, phần còn lại sẽ được thanh toán sau khi hợp đồng kết thúc.
Vàng – thau lẫn lộn
Được biết, dịch vụ thám tử tư hiện nay không có trong danh sách các ngành nghề, dịch vụ được phép kinh doanh trong nước nên hầu hết đều phải hoạt động chui, núp bóng ăn theo dưới danh nghĩa “dịch vụ cung cấp thông tin” của một công ty có ngành nghề kinh doanh chẳng liên quan gì đến lĩnh vực thám tử nào đó.
Để tăng độ tin cậy với khách hàng, các thám tử tự phong này cho biết đều đã qua trường lớp huấn luyện hẳn hoi. Khi chúng tôi thắc mắc hiện nay tại Việt Nam chưa hề có trường lớp đào tạo thám tử thì chị U, nhân viên phụ trách khách hàng của công ty TT chuyên cung cấp dịch vụ thám tử cho biết sếp của chị trước đây công tác trong ngành an ninh nên dĩ nhiên phải biết nghiệp vụ điều tra.
Không biết có phải trùng hợp mà trong những nơi mà chúng tôi đến tìm hiểu đều có chung một câu trả lời như thế. Bài bản hơn, có nơi còn mở lớp đào tạo thám tử tư như công ty HG trên đường 3/2, quận 10, trong thời gian 3 tháng là có thể hành nghề và tất nhiên chứng chỉ hành nghề sau khi kết thúc khoá học chỉ có giá trị tại nơi… mà nó được cấp.
Theo thống kê của những người trong nghề thì có hơn 90% các hợp đồng giao dịch có mối quan hệ gia đình: vợ theo dõi chồng hay ngược lại hoặc cha mẹ theo dõi con cái. Nắm bắt được tâm lý “thà một lần đau” để biết được sự thật, nhất là của các Hoạn Thư thời hiện đại với mong muốn tìm ra bằng chứng “lăng nhăng” của các ông chồng ham vui quên lối về khi máu ghen đã nổi lên thì giá nào thám tử tư đưa ra họ cũng chấp nhận.
Theo ông Hoàng T, được dân trong nghề biết và tôn trọng là một thám tử có uy tín và hành nghề lâu năm nhất, mục đích công việc của một thám tử là đi tìm sự thật của bản chất sự việc nhưng quan trọng nhất vẫn là đạo đức hành nghề. Thông tin khách hàng phải được bảo mật tuyệt đối, không thể vì lợi ích kinh tế mà thay đổi sự thật, không trung thực hay lợi dụng kinh doanh trên nỗi đau của khách hàng.
Chị Mỹ Ngân, ngụ tại quận 10, chia sẻ kinh nghiệm đau thương của bản thân trên một diễn đàn dành cho phụ nữ. Trước đây chị có tìm đến dịch vụ thám tử tư để theo dõi do chị nghi ngờ chồng mình có quan hệ ngoài luồng. Sau khi biết được sự thật đau lòng và chuyện gia đình được giải quyết êm thấm vì chị chấp nhận tha thứ cho chồng. Thế nhưng, tên thám tử lại trở mặt dùng chính những bằng chứng đó để vòi tiền với lời hăm dọa sẽ làm mất uy tín của chồng chị, ảnh hưởng đến “cái ghế” giám đốc mà chồng chị sắp được bổ nhiệm. Và những chuyện như thám tử “2 mang”, ăn lương 2 đầu khi bị đối phương phát hiện có đuôi theo dõi là chuyện bình thường. Đơn giản và phổ biến nhất là chiêu kéo dài thời gian điều tra để tính phí dù kết quả trắng đen đã rõ ràng.
Bên cạnh những trò “con sâu làm rầu nồi canh” thì có rất nhiều trường hợp gia đình được yên ấm là nhờ vào công sức của các thám tử có uy tín. Rất nhiều trường hợp cha mẹ tìm được con mình sau thời gian bỏ nhà đi bụi hay các ông chồng sau khi bị vợ “bắt thóp” thì không còn dám ngựa quen đường cũ.
Giao dịch giữa khách hàng và văn phòng thám tử tư chủ yếu dựa trên lòng tin và uy tín mà lòng tin và uy tín là 2 phạm trù hoàn toàn mơ hồ, không rõ ràng. Trong hợp đồng thì bao giờ bên cung cấp dịch vụ cũng nắm đằng chuôi vì khi hợp đồng có sự cố hay phải gián đoạn giữa chừng thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt vì tiền đã trao nhưng “cháo” thì không được “múc”. Cách tốt nhất là phải thật tỉnh táo, cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định sử dụng dịch vụ còn khá mới mẻ và nhạy cảm này để tránh trường hợp tiền mất mà còn mang nỗi ấm ức trong lòng.