Với một số tiền không quá lớn, giờ đây bạn vẫn có thể sở hữu những chiếc điện thoại hiện đại với nhiều chức năng giải trí, hỗ trợ công việc đẳng cấp cao, hàng chính hãng 100% chỉ có điều không phải hàng “đập hộp”. Thị trường dien thoai cu cũng vì thế mà giờ đây trở nên sôi động và phong phú hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để không bị “qua mặt” khi mua sắm những “chú dế” loại này tốt nhất bạn nên trang bị cho mình một số kinh nghiệm cơ bản.
Lợi dụng việc thiếu kinh nghiệm của nhiều khách hàng khi đi mua mặt hàng này, nhiều cửa hàng thường “dựng” máy từ các linh, phụ kiện kém chất lượng hoặc bán các máy chất lượng không ổn định, lỗi màn hình, loa, phần mềm… rồi dán tem vào. Có nhiều máy, lúc bạn thử tại cửa hàng thì không sao nhưng khi mang về nhà là bị lỗi.
Góc mua sắm kỳ này xin mách bạn một số cách cơ bản phân loại điện thoại di động khi đi mua sắm:
Màn hình khởi động
Về mặt nguyên tắc khởi động chuẩn, thông thường các máy khởi động theo trình tự sau. Đối với Nokia, sau khi bật nguồn, màn hình sẽ là một nền đen. Nối tiếp màn hình đen này là màn hình trắng mờ trong vòng 1-2 giây. Tiếp theo sẽ là cột pin bên góc phải phía trên. Tiếp theo, đối với Nokia sẽ là logo Startup, rồi hai bàn tay bắt nhau và nhận mạng. Đối với Samsung thì là màn hình nền đen, rồi đến logo Startup và nhận mạng… Đối với các máy đã chạy lại phần mềm, bạn sẽ nhận thấy từ lúc bật nguồn đến lúc màn hình chuyển từ đen sang trắng phải mất đến 5-6 giây. Tiếp theo mới xuất hiện cột pin, Startup Logo của Nokia…
Số IMEI
Bạn nhấn #*06#, số IMEI sẽ hiện ra (áp dụng cho tất cả các hãng điện thoại). Bạn xem con số thứ 15 (số cuối cùng) trong dãy số IMEI có trùng với trên tem dán sau lưng máy không. Nếu không trùng thì tức là máy “dựng” (từ nhiều nguồn, linh kiện khác nhau). Trong số IMEI, con số thứ 15 này không dùng, nó được tính ra từ 14 con số đầu tiên, nên trên các tem giả có thể con số này không trùng với IMEI của máy. Con số thứ 15 nếu muốn thay cũng rất mất công và có chi phí cao nên hầu hết các thợ “dựng” máy không làm.
Độ sắc nét của ốc vít
Mở vỏ mặt trước của máy ra, bạn sẽ thấy các con ốc vặn trên board bàn phím. Nếu máy còn “nguyên zin” tức là các con ốc này chưa mở, nên các cạnh trong của nó rất sắc và trên mặt kính màn hình không có dấu tay. Các máy lên đời thì các cạnh của ốc không còn sắc nữa mà có dấu vặn ra vặn vào. Nhiều máy còn để lại dấu tay của người thợ trên màn hình trong quá trình lắp ráp thủ công.
Thử loa, sóng
Khi thử gọi đi, gọi đến, bạn nên thử với các mức độ âm lượng to, nhỏ khác nhau, tránh trường hợp có những máy khi nghe trung bình thì được nhưng khi chọn âm lượng tối đa thì ko nghe được hoặc bị rè. Bạn nên thử sử dụng phím chuyển âm lượng nhanh, để xem nút này có bị kẹt, lỗi gì không… Bạn nên gọi thử trong thời gian hơn 1 phút, tránh trường hợp có những máy đàm thoại lâu là mất nguồn, mất sóng…
Bảo hành màn hình Samsung
Nếu bạn là một "tín đồ" của dòng máy Samsung thì bạn nên chú ý các bệnh thường gặp của dòng máy gập, đẩy trượt này. Các máy gập, đẩy trượt cũ của Samsung thường có các bệnh liên quan đến màn hình như là chập chờn màn hình, trắng màn hình, kẻ ngang màn hình, mất đèn màn hình trong, ngoài… Nếu bạn mua máy ở các cửa hàng bán máy cũ thì nên yêu cầu cửa hàng bảo hành màn hình trong một thời gian nhất định (mặc dù bạn sẽ phải chịu giá máy cao hơn một chút).
Bảo hành máy
Thông thường, bạn nên yêu cầu cửa hàng bảo hành máy cho mình trong vòng 1 tháng. Thời hạn này vừa đủ để xác định được chất lượng tương đối của một chiếc điện thoại cũ.
Chúc bạn sắm được một "chú dế” ưng ý!
Theo: e-Chip Mobile