Cây Nghe là loại thực vật được cấy rộng rãi ở một số nước tại châu Á, như Ấn Độ, Trung Quốc… và củ nghệ được biết đến như là thứ dược liệu quý cách đây trên 5.000 năm. Tại Ấn Độ, củ nghệ và các sản phẩm từ nghệ được dùng như loại thuốc dân gian để bôi lên vết thương cho chóng lên da non, trong điều trị bệnh dạ dày và giải độc cho máu. Để giữ cho làn da mịn màng, không có nếp nhăn, phụ nữ Ấn Độ thường pha bột nghệ với sữa đắp lên mặt vào các buổi tối.
1. Hoạt chất curcumin từ củ nghệ có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư da và kiềm chế quá trình di căn của ung thư vú sang phổi
Tiến sĩ Bharat Aggarwal cùng các cộng sự thuộc Đại học Texas đã tiến hành thí nghiệm bằng cách tiêm vào chuột tế bào ung thư vú của người được nuôi cấy từ bệnh nhân ung thư vú đã bị di căn tới phổi, sau đó chia ra làm 4 nhóm để điều trị bằng hoạt chất curcumin chiết xuất từ củ nghệ và loại thuốc tân dược có tên gọi là Taxol. Qua theo dõi thấy rằng, chỉ có 30% số chuột được điều trị bằng curcumin có dấu hiệu di căn tới phổi còn 75% được điều trị bằng Taxol và 98% không được điều trị có dấu hiệu di căn tới phổi.
Các nghiên cứu được tiến hành gần đây tại University of Texas as M.D. Anderson Cancer Center đã cho thấy, trộn hoạt chất curcumin vào với hợp chất taxol hoặc paclitaxel – những loại thuốc được dùng phổ biến trong hóa trị liệu ung thư vú – có tác dụng gia tăng hoạt tính điều trị của thuốc và làm cho liệu pháp bớt độc hại và hiệu quả cao hơn. Các nghiên cứu trên chuột được tiến hành tại University of Texas còn chỉ ra rằng hoạt chất curcumin còn có tác dụng ngăn chặn sự phát triển ung thư da.
2. Hoạt chất curcumin chứa trong củ nghệ có tác dụng ngăn chặn sự phát triển bệnh gan do lạm dụng uống rượu
Các nhà khoa học tại Phần Lan và Hồng Kông đã phát hiện ra rằng, hoạt chất curcumin có tác dụng ngăn chặn hoạt tính của gien NF-kappaB, một trong những "thủ phạm" gây bệnh gan.
Các thí nghiệm trên chuột với nhiều chế độ dinh dưỡng khác nhau có trộn thêm curcumin, được miêu tả trong tạp chí "American Journal of Physiology – Gastrointestinal and Liver Physiology" tháng 2/2007 cho thấy, hoạt chất curcumin không chỉ có tác dụng ngăn chặn hoạt tính của gien NF-kappaB mà còn bảo vệ tế bào gan không bị phá hủy khi có nồng độ cồn cao trong máu.
Tiến sĩ Naji, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu rằng: "Các đặc tính chữa bệnh của củ nghệ đã được biết đến từ lâu, nhưng lần đầu tiên chúng tôi phát hiện ra rằng, hoạt chất curcumin có tác dụng ngăn chặn những bệnh về gan do lạm dụng rượu! Kết quả này đang mở ra cho chúng tôi một hướng mới, sử dụng hoạt chất curcumin trong điều trị các bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan…".
Các nghiên cứu do giáo sư Yosef Shaul thuộc Phòng Gien phân tử, Viện Weizmann tại Izrael cho thấy, khi nồng độ của protein p53 gia tăng, thì các tế bào ung thư hay những tế bào bị tổn thương mất khả năng tự phân chia hoặc bị tự phân hủy. Nhóm các nhà khoa học do giáo sư Dhaul chỉ đạo cũng khám phá ra rằng, hoạt chất curcumin có tác dụng làm gia tăng protein p53. Một nghiên cứu của Tiến sĩ Bharat Aggarwal cùng các cộng sự thuộc Đại học Texas cũng cho cùng kết quả rằng, hoạt chất curcumin có tác dụng kích hoạt protein p53 trong cơ thể chuột.
4. Hoạt chất curcumin chứa trong củ nghệ có tác dụng trong chữa trị bệnh Alzheimer
Các nghiên cứu được tiến hành trên chuột của UCLA Alzheimer’s Disease Center và của các nhà khoa học Veterans Affairs đã chỉ ra rằng, hoạt chất curcumin có tác dụng làm chậm quá trình hình thành loại protein có tên "beta amyloids" trong não – đây là một chất gây bế tắc trong não của bệnh nhân Alzheimer và giết chết những tế bào của não. "Hoạt chất curcumin có tác dụng mạnh hơn bất cứ loại thuốc nào hiện có trong trường hợp bệnh Azheimer" – ông Cole, người chỉ đạo nhóm nghiên cứu thuộc UCLA.
Ông nói thêm: "Chúng tôi chỉ tiếp tục xác định những tác dụng của curcumin trong bệnh Alzheimer. Vì qua khảo cứu trước đây của chúng tôi thấy rằng, những người dân Ấn Độ ăn nhiều ca-ri thì tỉ lệ mắc ung thư và bệnh Alzheimer rất thấp. Trong số dân Ấn Độ, chỉ có 1% những người cao niên mới mắc bệnh mất trí nhớ, chỉ bằng 1/6 ở Mỹ".
Các nhà khoa học thuộc UCLA đang chuẩn bị tiến hành những test đầu tiên trên bệnh nhân gồm 36 cụ già mắc bệnh Alzheimer để khẳng định sự "thần kỳ" của hoạt chất curcumin của củ nghệ. Bên cạnh đó, một số hãng dược phẩm cũng đang nghiên cứu bào chế loại thuốc từ hoạt chất curcumin với liều lượng phù hợp và hiệu quả cho những người bị bệnh Alzheimer.
Tiến sĩ y học Anshu Rohagti thuộc bệnh viện Sir Gangaram cho rằng, việc khám phá tác dụng chữa bệnh Alzheimer của củ nghệ có một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang già đi, vì trên thế giới hiện nay có khoảng trên 30 triệu người đang bị căn bệnh này hành hạ và đến năm 2050 số người mắc căn bệnh này có nguy cơ tăng tên 4 lần.
5. Hoạt chất curcumin có tác dụng tích cực trong việc điều trị căn bệnh khuyết tật gien ở nhiễm sắc thể số 7 – còn gọi là bệnh mucovisidosis
Khuyết tật gien ở nhiễm sắc thể số 7 hay còn gọi là bệnh quánh niêm dịch là một bệnh di truyền. Năm 1941, Forber nhận thấy rằng trong bệnh này, những cơ quan có tiết dịch này đều bị rối loạn chức năng xuất tiết, gây xơ năng tuy tạng và suy tim… Các nghiên cứu thí nghiệm trên chuột, bị bệnh giống như bệnh quánh niêm dịch của các nhà khoa học thuộc Đại học Washington cho thấy, hoạt chất curcumin chứa trong củ nghệ có tác dụng phòng ngừa khuyết tật gien.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố gần đây trên tạp chí "Journal Science" đã gây được sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà khoa học. Các nhà khoa học Đại học Washington cũng đang chuẩn bị nghiên cứu đối với 9 bệnh nhân mắc bệnh quánh niêm dịch để xác định liều lượng bao nhiêu để đủ cung cấp cho máu. Ông Paul Marcoss, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Thí nghiệm trên bệnh nhân sẽ giúp chúng tôi khẳng định rằng, hoạt chất curcumin có tác dụng đối với căn bệnh hiểm nghèo này như là loại thuốc "y học cổ truyền" hay là một loại thuốc quan trọng giúp điều trị bệnh!".
Ngoài việc tiếp tục những nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh của hoạt chất curcumin trong củ nghệ, các nhà khoa học đang xác định liều lượng curcumin cho bệnh nhân, bởi vì hoạt chất curcumin chiết xuất từ củ nghệ có nhược điểm là khả năng thẩm thấu từ hệ tiêu hóa vào máu rất kém và rất nhanh chóng bị phân hủy trong cơ thể. Theo thực nghiệm của giáo sư Yosef Shaul, nếu người bệnh uống 8g/ngày thì nồng độ của hoạt chất này trong máu cao nhất chỉ đạt 2mM. Theo trang web của M.D. Anderson thì liều dùng 8g là liều dùng tốt nhất. Giáo sư Yosef Shaul cho biết: "Đối với việc bào chế thuốc mới, việc xác định liều lượng là vô cùng quan trọng; ít quá – sẽ làm mất tác dụng của thuốc; nhiều quá – sẽ trở thành độc dược!".
Một trở ngại khiến các công ty dược phẩm không mặn mà với việc tiến hành bào chế các loại thuốc từ hoạt chất curcumin tự nhiên là việc xảy ra các vụ kiện hy hữu: Các viện nghiên cứu tại Ấn Độ đã đâm đơn kiện University of Mississippi vì trường Đại học này đã đăng ký bản quyền dùng curcumin để điều trị các vết thương khó lành. Trên cơ sở pháp lý những nghiên cứu của Ấn Độ đã được công bố trong năm 1953 và những bài thuốc chữa bệnh của củ nghệ đã được ghi nhận trong sách cổ Ấn Độ. Cục Sáng chế Mỹ đã ra tuyên bố hủy bản quyền của Đại học Mississippi. Việc Đại học Mississippi thua cuộc đã đặt các công ty dược phẩm vào "ngõ cụt": Không thể đăng ký bản quyền cho bất cứ sản phẩm nào bào chế từ hoạt chất curcumin tự nhiên chiết xuất từ củ nghệ.
Gần đây, một vài doanh nghiệp dược phẩm đã phải "lách luật" bằng cách thay đổi cấu trúc hóa học của curcumin để không bị "kiện" ra tòa, như công ty AndroScience ở San Diego cộng tác với University of North Carolina sẽ tiến hành thực nghiệm lâm sàng vào cuối năm 2007 loại thuốc chống mẩn ngứa, bào chế từ curcumin tổng hợp hay công ty Curry Pharmaceuticals dự định tiến hành thực nghiệm lâm sàng curcumin do các nhà khoa học thuộc Emory University tổng hợp để điều trị ung thư.
Nhưng nhiều nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong việc tài trợ cho những dự án bào chế thuốc chữa bệnh từ hoạt chất curcumin tổng gợp. Họ lo ngại rằng, curcumin tổng hợp có thể có những tác dụng phụ bất lợi cho con người. Giáo sư Aggarwal thì cho rằng, việc thay đổi phân tử và cấu trúc curcumin có thể dẫn tới xuất hiện một hoạt chất tiềm ẩn nhiều nguy hại hơn nhiều so những ích lợi của curcumin tự nhiên.
Nếu như, trong tương lai những khó khăn liên quan đến bản quyền về curcumin được giải tỏa, thì củ nghệ có thể trở thành "thần dược" điều trị nhiều căn bệnh nan y – trước tiên, có thể trở thành liều thuốc quý giá cho hàng triệu người đang bị bệnh Alzheimer.
Giáo sư Greg Cole thuộc University of California và Veterans Affairs đã sẵn sàng tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân Alzheimer và cũng sẵn sàng bào chế loại thuốc rẻ tiền có thành phần curcumin trộn với dầu ăn (làm dễ dàng chuyển hóa curcumin trong cơ thể) dành cho những người giầu có và nghèo túng bị bệnh Alzheimer và cho những người muốn phòng ngừa căn bệnh này một cách hữu hiệu trong thế giới đang bị "lão hóa".
Và ngày nay, ở các trung tâm thẩm mỹ, làm đẹp và nhiều trang báo điện tử khác về chuyên đề làm đẹp vẫn rất đề cao vai trò làm đẹp của củ nghệ, họ có hẳn các chuyên mục tư vấn dùng nghệ để tận dụng tốt nhất hiệu quả mà loại "thần dược" này mang lại.!.
Nguồn: tintuconline.com.vn