Về nguyên tắc, tất cả các thiết bị làm ấm như Máy sưởi dầu, Quạt sưởi, Túi sưởi, Lò sưởi, Chăn – đệm điện,……. đều dùng dòng điện để nung nóng điện trở phát ra sức nóng. Chúng đều là nguồn nhiệt nên sẽ làm khô không khí trong phòng. Tuy nhiên, tuỳ loại có công suất khác nhau mà gây ảnh hưởng khác nhau.
Những loại có công suất nhỏ, chỉ toả ra hơi ấm một góc như tấm đệm sưởi, đèn sưởi, gối sưởi thường không ảnh hưởng lắm đến cảm giác của người dùng. Tuy nhiên, những loại công suất lớn, sưởi ấm cả phòng như quạt sưởi, điều hoà thì thường khiến không khí trong nhà trở nên quá khô, ngột ngạt, nhiều người còn thấy da nứt nẻ.
Ông Hoàng Dương Hùng, Phó chủ nhiệm khoa Nhiệt Điện Lạnh, Đại học Đà Nẵng cho biết quạt sưởi đúng tiêu chuẩn phải có thêm hệ thống điều ẩm (phun hơi nước), giúp cân bằng giữa nhiệt độ và độ ẩm trong phòng. Tuy nhiên, hiện nay có những loại quạt sưởi chỉ có hệ thống làm ấm mà không điều ẩm, nên khiến không khí trong phòng khô nóng. Đặc biệt trong thời tiết lạnh khô của miền Bắc, độ ẩm vốn đã thiếu, thì việc dùng loại quạt này càng làm khô nẻ da. Kết hợp với việc các gia đình thường đóng kín cửa do trời lạnh, nên khí nóng ô nhiễm cứ luẩn quẩn không thoát ra ngoài được, khiến người dùng thấy ngột ngạt, thiếu khí, khó chịu.
Tình huống tương tự cũng gặp phải với các hộ gia đình dùng điều hoà. Các công sở lớn thường lắp điều hoà trung tâm, trong đó đã lắp đường bổ sung khí sạch, nên không gặp phải hiện tượng bí thở, khô nóng. Các loại điều hoà cũ gắn trực tiếp vào tường tuy có nhược điểm hơi ồn, nhưng có chức năng trao đổi khí với bên ngoài, nên giúp phòng thông thoáng hơn. Tuy nhiên, những điều hoà thế hệ mới lắp tại các gia đình (điều hoà hai cục, để tránh ồn) không có sự lưu thông khí này. Không khí khô nóng và ô nhiễm do hơi người thở ra chỉ lưu chuyển trong phòng mà thôi. Người dùng lâu sẽ thấy rất khó chịu, thiếu khí.
Giải pháp tốt nhất trong cả hai trường hợp trên, theo ông Hùng, là gia chủ phải lắp thêm quạt thông gió để không khí mát sạch từ ngoài lưu thông vào trong nhà (tất nhiên sẽ tốn điện hơn). Thỉnh thoảng bạn cũng nên mở cửa cho khí tươi được trao đổi, hoặc chí ít cũng phải đặt các chậu nước quanh nhà để nước bốc hơi lên, cân bằng với khí khô. Với quạt sưởi không có hệ thống điều ẩm, tốt nhất là phải gắn thêm hệ thống phun sương và dùng quạt thông gió.