Giới chơi cây kiểng Bonsai, ngoài kỹ thuật lão hóa, thu gọn dáng cây, họ còn lắp ghép cây kiểng vào đá núi, san hô, gốc cây khô… để tạo ra một khoảng thiên nhiên thơ mộng đầy ấn tượng như: cảnh cây đa bến cũ, cảnh hang động sầm uất, cảnh ghềnh đá cheo leo, cảnh miền quê êm ả… Tất nhiên để việc lắp ghép đạt đến nghệ thuật hoàn hảo đòi hỏi nghệ nhân phải có trình độ thẩm mỹ cao, óc tưởng tượng phong phú.
Ngày nay, dân chơi cay canh chạy theo trường phái Bonsai, Hà Lan, Nhật Bản. Do vậy, trường phái kiểng cổ điển không còn chiếm địa vị độc tôn. Theo trường phái kiểng Bonsai, cây cảnh cứ để phát triển thoải mái, tự nhiên. Tuy vậy, muốn cho cây có bộ gốc rễ hấp dẫn, chi nhánh cân đối, có tư thế đạt đến nghệ thuật Bonsai hoàn hảo thì cũng phải cần đến bàn tay điêu luyện của nghệ nhân giàu óc tưởng tượng và lòng kiên trì, nhẫn nại.
Cây cảnh theo phong cách Bonsai rất chú trọng đến bộ gốc, rễ. Từ bộ gốc rễ hài hòa, cân đối có sẵn, người chơi kiểng sẽ gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình qua cách tự tạo ra các thế cây. Nhiều thế cây khá phổ biến hiện nay như: thế "Trực cảm" tượng trưng đức tính ngay thẳng, liêm khiết, bộc trực; thế "Huyền nhai" thể hiện tâm hồn thoáng đãng, lãng mạn, phong lưu; thế "Xiêu phong", thế "Hoành phi" chỉ ý thức vươn lên, quyết không khuất phục trước bạo lực. Nói chung, cũng như cây kiểng theo trường phái cổ điển, mỗi thế kiểng Bonsai đều thể hiện một tính cách độc đáo riêng. Tùy tâm tính của người chơi mà chọn dáng cây sao cho thích hợp.
Qua thú chơi và chăm sóc cây cảnh, ở chừng mực nào đó, ta có thể nói, con người đã sáng tạo ra quang cảnh thiên nhiên sinh động và hấp dẫn. Thật là thú vị, sau những giờ phút lao động cực nhọc, ngồi bên ly trà xanh bốc khói, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng được thu hẹp trong chậu kiểng mi ni đặt trên bàn nước, sẽ thấy tâm hồn thanh thản, phiêu bồng.
Theo: baobinhdinh