Nếu có người được nhắc đến nhiều nhất trong thất bại của iPhone 5c, đó chính là Steve Jobs. Tất nhiên, nhắc tới ông không phải là nhắc tới người gây ra “thảm họa”, mà là người không có mặt để ngăn chặn thảm họa xảy ra.
Người ta luôn “định vị” iPhone của Apple là một chiếc smartphone cao cấp, đẹp mắt và giá tốt. Sự cao cấp của iPhone khiến nó không thể có một phiên bản giá rẻ, như những gì Apple thời Steve Jobs tuyên bố chắc nịch.
Nhưng bất ngờ, Apple tung ra chiếc iPhone 5c, như một sự run sợ trước sức ép cạnh tranh rất lớn từ Samsung với hàng loạt mẫu smartphone, rải trên tất cả các phân khúc từ bình dân tới cao cấp.
Nếu yêu Apple, họ sẽ bỏ thêm một ít tiền để sở hữu iPhone 5s. Còn không, họ sẽ tìm đến các smartphone Android vốn không thua kém về sức mạnh hay tính năng, mà giá rẻ hơn khá nhiều.
iPhone 5c vì thế không tạo được chỗ đứng tại bất kì thị trường nào trên thế giới kể cả tại Trung Quốc-thị trường mà iPhone 5c nhằm tới (với chữ “c” đầy hình tượng, vừa có thể là “cheap” (rẻ), vừa có thể là “China”).
Người Trung Quốc không quan tâm tới một chiếc iPhone bằng nhựa có giá đắt.
Tại nhà máy Foxconn đặt tại Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, Apple coi như đã thừa nhận thất bại của iPhone 5c khi giảm từ 50.000 sản phẩm/tuần xuống chỉ còn 8-9.000 sản phẩm/1 tuần, mức giảm 75%.
Mức giá cho iPhone 5c giảm thảm hại. Hiện tại, chiếc điện thoại này chỉ ở quanh mức 400-500 USD và vẫn ế khách.