Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc phân chỉ tiêu tuyển sinh sẽ do Phòng Giáo dục và Ủy ban nhân dân quận thực hiện, dựa trên điều tra xã hội học số trẻ trên địa bàn do UBND phường thực hiện. Nhưng thực tế có những trường số trẻ đúng tuyến đã vượt quá năng lực và chỉ tiêu dự kiến. Về nguyên tắc, các trường sẽ phải nhận hết trẻ đúng tuyến, nếu còn chỉ tiêu mới được tuyển trái tuyến, tuyệt đối không được loại học sinh đúng tuyến, để nhận trái tuyến.
Tuyển sinh trái tuyến là một quy luật buộc chúng ta phải chấp nhận ở một đô thị phát triển như Thủ đô Hà Nội. Vậy chúng ta sẽ "ứng xử" với quy luật này như thế nào? Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ:
"Nói về trái tuyến, tôi có thể chỉ ra rất nhiều nguyên nhân như: Có nhiều học sinh cư trú nằm trong khu vực tuyển sinh, ngay gần trường nhưng hộ khẩu lại thuộc phường khác, nên trở thành diện trái tuyến; hoặc cũng có phụ huynh chê trường trên địa bàn mình nằm ở khu vực "dân trí thấp", gần chợ búa, gần nhà nghỉ, trong ngõ hẹp nên xin học trái tuyến chỗ khác, rồi cũng có cha mẹ muốn xin cho con học trái tuyến ở trường gần nơi làm việc, thuận tiện cho việc đưa đón. Hay cũng có nhiều trường rất khang trang, gần nhà, thuận tiện đưa đón nhưng vẫn muốn xin học trái tuyến vì thấy trường này hay, trường kia là trường điểm.
Ngoài ra, việc tăng dân số cơ học ở những quận huyện ven đô, nhất là trong điều kiện thực hiện Luật Cư trú do sự hấp dẫn của Thủ đô v.v… cũng là những lí do tạo ra tình trạng học trái tuyến, gây căng thẳng, áp lực đối với công tác tuyển sinh. Vì học trường trái tuyến mà hàng ngày các bậc cha mẹ và các em học sinh phải vô cùng mệt mỏi trên những chặng đường dài, đối diện với những nguy hiểm khi tham gia giao thông và nhiều bất cập khác.”.