Những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trên thế giới hiện nay đã làm cho triết lý về giáo dục đại học của thế kỷ 21 có những biến đổi sâu sắc, đó là lấy “học thường xuyên suốt đời” làm nền móng, dựa trên các mục tiêu tổng quát của việc học, là “học để biết, học để làm, học để cùng sống với nhau và học để làm người”, nhằm hướng tới xây dựng một “xã hội học tập”.
Sản phẩm đào tạo đại học ngày nay sẽ phải hoạt động trong một môi trường cạnh tranh có tính quốc tế hoá cao. Trong bối cảnh đó, phạm trù “chất lượng đào tạo đại học” phải có sự thay đổi quan trọng theo hướng: vừa phải biết sống hòa hợp với cộng đồng dân tộc và quốc tế, vừa phải có năng lực và bản lĩnh để cạnh tranh tự khẳng định và tự phát triển. Đó là những đòi hỏi quan trọng của giáo dục đại học trong thời kỳ mới, nó cũng là thách thức lớn đối với nền giáo dục của các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Chính những thay đổi về chất trong mục tiêu đào tạo và phạm trù chất lượng đào tạo đã dẫn đến những yêu cầu về đổi mới trong cách tiếp cận dạy và học đại học. Trước hết là đổi mới trong nội dung giáo dục đại học. Câu hỏi cần trả lời là: giáo dục đại học cần phải hướng tới những nội dung gì? Trong điều kiện kho kiến thức của nhân loại đã trở nên khổng lồ và không ngừng tăng lên với tốc độ ngày càng nhanh, nếu việc dạy hướng đến trang bị nhiều kiến thức cho người học thì thời gian đào tạo, cho dù là cả đời người cũng không đủ. Nói theo cách của nhà triết học Whitehead “nếu chưa đầy một thế kỷ trước, chức năng của giáo dục là truyền đạt tri thức và kinh nghiệm của thế hệ trước cho thế hệ sau, có thể chúng ta là thế hệ đầu tiên trong lịch sử mà những hiểu biết của cha ông ít có giá trị thực tiễn đối với cuộc sống của chúng ta như những tri thức được sản sinh ra ngay trong quãng đời mà ta sống”.
Vì vậy, nội dung đào tạo đại học không đặt mục tiêu cung cấp đủ kiến thức cho người học để có thể sống và làm việc suốt đời mà là trang bị cho người học một vốn tri thức cơ bản cộng với một năng lực tự mình chủ động tìm kiếm những tri thức mới trong tương lai.