Không phải cứ trái cây là tốt
Sự thật là có những loại trái cây đặc biệt có hại đối với những người có bệnh. Chẳng hạn, với người mắc chứng viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm tuyến tụy… thì không được uống các loại nước quả chua như bưởi, chanh, cam, táo, nho, dâu…
Những người tiểu đường không nên ăn các loại quả có hàm lượng đường cao như lê, xoài, sầu riêng, hồng… Những người bị viêm thận mãn tính không nên ăn xoài.
Không phải quả nào cũng dưỡng da
Loại quả nào cũng có các vitamin quý nhưng mỗi loại da sẽ có những lựa chọn riêng.
Nhiều người nghĩ rằng, nếu da khô thì nên đắp những loại hoa quả chứa nhiều nước như lê, dưa chuột, củ đậu để bổ sung nước cho da. Nhưng, sự thực là chính nước trong những loại quả này lại làm mất đi rất nhiều chất dưỡng ẩm tự nhiên của da và làm da căng hơn, khô hơn. Trong dưa chuột có chất keo nhựa nên người có làn da nhạy cảm không nên sử dụng. Với người có làn da nhờn có thể sử dụng các loại quả nhiều axit như chanh, cam để đắp hay rửa mặt vào mùa hè nhưng lại không nên dùng vào mùa đông.
Một điều vô cùng quan trọng nữa cần nhớ là chỉ được đắp mặt nạ trái cây lên da khi da đã hoàn toàn sạch sẽ. Nếu không, các loại mỹ phẩm, bụi bặm… sẽ "liên kết" với mặt nạ trái cây làm cho da bạn có thể bị nhiễm trùng. Sau khi đắp mặt nạ trái cây cần rửa lại mặt bằng nước sạch.
Không thể ăn trái cây thay rau
Bạn nghĩ rằng trái cây chứa toàn những chất có lợi như chất xơ, vitamin, các loại vi chất, nên ăn càng nhiều trái cây càng tốt, thậm chí có thể ăn trái cây thay rau. Thực tế lại không phải như vậy. Dù các vitamin có quý giá thế nào thì cơ thể cũng chỉ cần một lượng nhất định, khi ăn quá nhiều trái cây, bạn có thể sẽ… mắc bệnh.
Để làn da khỏe và đẹp, bạn cần biết "nạp" lượng trái cây một cách hợp lý. Chẳng hạn nếu ăn quá nhiều các loại quả có màu đỏ, vàng (loại quả giàu vitamin A) như đu đủ, chuối, cà rốt, ớt, bí đỏ… sẽ có nguy cơ mắc bệnh vàng da. Ăn quá nhiều vải, nhãn, sầu riêng… bạn có thể bị nhiệt, mọc mụn nhọt hay lở loét, mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa 3 quả quýt loại vừa, ăn không quá 250g vải hay nhãn…
Trái cây cũng không thể thay thế các loại rau vì trong rau có những loại vitamin và vi chất mà trái cây không có. Nếu ăn hoa quả thay rau xanh sẽ làm cho cơ thể thiếu vitamin và vi chất.
Trái cây chế biến xong cần sử dụng ngay
Hoa quả đã gọt vỏ, bổ thành từng miếng nhỏ hay nước quả ép để càng lâu sẽ càng bị hao hụt nhiều vitamin và chất dinh dưỡng, làn da và cơ thể sẽ chẳng hấp thụ được gì nhiều khi bạn ăn hoa quả hay nước ép đã chế biến quá lâu.
Vì vậy, nếu buộc phải bổ hoa quả từ rất lâu trước khi dùng, bạn nên ngâm quả vào dung dịch nước muối nhạt (1%) để giữ lượng vitamin C có trong quả. Nước hoa quả ép đóng hộp sau khi mở nắp cũng nên dùng sớm. Người ta đã chứng minh được rằng nước cam ép đóng hộp mất 100% vitamin C sau 4 tuần mở nắp.
Không phải ăn trái cây, uống nước ép bất cứ lúc nào cũng có lợi
Thời điểm ăn trái cây, uống nước ép hoa quả có ý nghĩa rất quan trọng với việc cơ thể có hấp thụ được những dưỡng chất quý giá có trong trái cây hay không.
Chẳng hạn nên uống nước ép trái cây vào buổi sáng sẽ có lợi cho việc cung cấp vitamin cho cơ thể và làn da, duy trì thể lực trong cả ngày. Ngược lại, không nên uống nước ép trái cây vào buổi tối trước khi đi ngủ vì sẽ gây hại cho thận và dạ dày.
Thời điểm ăn trái cây thích hợp nhất là 1 giờ trước bữa ăn, lúc đó cơ thể sẽ hấp thu tốt nhất các loại vitamin trong hoa quả.
Có một số loại hoa quả không nên ăn lúc đói. Ăn quả hồng lúc đói có thể gây ra những viên sỏi trong dạ dày. Những loại quả chua như bưởi, cam, chanh ăn lúc đói sẽ gây cồn ruột. Ăn cà chua khi đói có thể gây đau hoặc trướng bụng.
Không uống nước ép trái cây quá nhanh
Nước ép trái cây cần uống từ từ mới tốt. Bạn nên uống nước ép thành từng ngụm để có lợi cho việc kết hợp với nước bọt trong khoang miệng, tạo điều kiện cho việc hấp thụ hoàn toàn và dễ dàng những dưỡng chất có trong nước ép.
Trái cây cũng “kỵ” một số loại thực phẩm khác
Có một số loại trái cây “khó tính”, tối kỵ khi ăn cùng các thực phẩm khác. Nếu ta cứ liều lĩnh kết hợp thì không những không có tác dụng tốt mà còn gây ra nhiều tác hại cho cơ thể. Chẳng hạn, trước và sau khi ăn quýt 1 giờ, tuyệt đối không được uống sữa bò vì protein trong sữa bò gặp nước quýt sẽ đông lại, gây khó khăn cho việc tiêu hóa và hấp thụ…