Không quá náo nhiệt, sầm uất như các nghề thủ công khác, sự lặng lẽ và bền bỉ đã giữ cho Du Tràng (Giang Sơn, Gia Bình) một nghề với những sản phẩm độc đáo từ mây, tre. Nghề May tre dan ở đây có từ hàng chục năm, trở thành nghề phụ quan trọng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương.
Thôn Du Tràng có 360 hộ thì hơn 100 hộ làm nghề đan mây tre. Hộ mới vào nghề cũng được 8 năm; nhiều hộ có “thâm niên” 30 năm. Ông Nguyễn Đình Đà, 58 tuổi, làm nghề đã hơn 20 năm, tâm sự: “Nghề này thu nhập không cao, nhưng có việc làm thường xuyên kể cả người già, trẻ em đều có thể làm được, trung bình mỗi ngày thu nhập từ 20 đến 30 nghìn đồng/ người”.
Nghề đan mây tre nơi đây bắt đầu từ những năm 1980 khi trong làng có một vài người dân đi làm thuê ở Hà Tây trước kia, mang nghề về làng. Ban đầu chỉ đan những dụng cụ phục vụ sinh hoạt trong gia đình như: Rổ, rá, thúng, nong, nia… Đến nay, các sản phẩm được đa dạng hơn. Từ những nguyên liệu mây, tre, nứa thô sơ, bằng đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã biến thành những chiếc giỏ, bình, đĩa đựng hoa đủ các kích cỡ, màu sắc đẹp và tinh xảo. Để hoàn thiện một chiếc giỏ hoa phải mất 4, 5 công đoạn từ chẻ nan, đặt đáy, đan, quấn miệng. Mỗi sản phẩm làm ra tuỳ theo từng kích cỡ mà có giá khác nhau: loại nhỏ nhất 2 đến 3 nghìn đồng chiếc; giỏ đựng lẵng hoa to từ 5 đến 10 nghìn đồng chiếc. Mỗi ngày, với người đã làm quen tay có thể hoàn thành từ 30 đến 40 sản phẩm theo dây chuyền, mỗi tháng thu nhập bình quân từ 600 đến 900 nghìn đồng/ người. Để tiếp tục nhân rộng và phát huy nghề đan mây tre, đầu năm 2008 địa phương đã thành lập HTX Toàn Phong cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. HTX thường xuyên phối hợp với các Trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện về dạy nghề cho các xã viên. Qua một thời gian đào tạo, đến nay HTX đã có 100% xã viên biết nghề, trong đó 80% đã sản xuất được sản phẩm đạt chất lượng đúng theo yêu cầu. Hiện, HTX mây tre đan xuất khẩu Toàn Phong đã đi vào sản xuất với nhiều mặt hàng như: khay đựng trầu, giỏ, làn, đĩa, bình, mâm hoa quả, … Vừa qua, HTX đã xuất một lô hàng gần 2.000 sản phẩm các loại, thu về hơn 10 triệu đồng. Nghề này có thể làm vào thời gian nông nhàn, mỗi năm xã viên chỉ làm 8 tháng, còn lại lo việc đồng áng. Nhiều xã viên nhận nguyên liệu về cho người thân trong gia đình mình cùng làm vào buổi tối, kể cả trẻ em hay người già.
Thời gian tới, HTX Toàn Phong tiếp tục mở thêm nhiều lớp đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, HTX sẽ chủ động tìm đầu mối trực tiếp thu mua nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm không qua trung gian, nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập cho xã viên. Với thuận lợi như hiện nay sản phẩm làm ra đến đâu đều được tiêu thụ đến đấy, nên HTX đặt kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ sản xuất nhiều mặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. Theo chị Nguyễn Thị Thinh, Chủ nhiệm HTX Toàn Phong thì khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là mặt bằng sản xuất, bên cạnh đó vấn đề vốn cũng khiến cho làng nghề gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để hợp nhất khâu bao tiêu sản phẩm và duy trì phát triển nghề mới ở nông thôn, chính quyền địa phương cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ kịp thời, đặc biệt mặt bằng sản xuất, vấn đề vốn, thị trường… nhằm tạo điều kiện cho nghề đan mây tre phát triển ổn định, giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống
Theo: Báo Bắc Ninh