Ra khỏi động Thiên Cung, ta sẽ có cảm giác như vừa được xem một “bảo tàng mỹ thuật” vô cùng độc đáo, công phu, kỳ thú mà tất cả đều do bàn tay thần tình của tạo hoá làm nên, vượt khỏi tài trí và sức tưởng tượng của con người.
Động gắn liền với truyền thuyết về vua Rồng xưa. Chuyện kể rằng: “Sau khi vua Rồng giúp dân ta đánh tan giặc giã, vua Rồng trở về động của mình, năm ấy trời hạn hán nặng, dân tình mất mùa nhiều nên họ phải cầu cứu vua Rồng ra tay làm mưa. Bao nhiêu người đã ra đi mà không có ngày trở về. Không sợ nguy hiểm gian nan, có một đôi vợ chồng trẻ quyết tâm cùng nhau đi tìm gặp vua Rồng.
Trung tâm động là bốn cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột tới đỉnh đều được “chạm nổi” nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành… Trên vách động phía bắc là cảnh một bầy tiên nữ đang múa hát chúc mừng đám cưới. Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rủ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá tự nhiên lộng lẫy. Đâu đó có tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Đó chính là tiếng gió thổi qua kẽ đá. Nhìn lên vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc ta ngỡ như đang đứng trong cảnh bồng lai vậy.
Tới ngăn động cuối cùng, những luồng ánh sáng trắng xanh đỏ xen lẫn phối màu tạo nên khung cảnh hoa lệ. Một khe nước tự nhiên bốn mùa tuôn chảy róc rách, nơi đây có ba chiếc ao, nước trong vắt. Theo truyền thuyết, đây là nơi nàng Mây thường tắm cho 100 người con của mình và nuôi họ trưởng thành. Một con đường dẫn ra phía ngoài quanh co uốn khúc, đó chính là con đường mà nàng Mây cùng 50 người con của mình ra đi để khai phá vùng đất mới, 50 người con còn ở lại cùng với người cha xây dựng quê hương, di vật mà người mẹ để lại là bầu vú tiên tràn trề sức sống.