Sá sùng là một loại giun biển sống sâu trong cát, loài sinh vật này được người Hạ Long sáng tạo thành nhiều món ngon có thể gọi là đặc sản Hạ Long như nướng muối ớt, chiên giòn, ăn sống chấm mù tạt rất ngon và bổ dưỡng. Sá sùng hay còn gọi là trùn biển có nơi gọi là trùn giông màu nâu đỏ, bụng chứa đầy cát thường có nhiều ở các đụn cát ven biển các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Phú Yên… Nhiều người còn cho rằng, cái tên sá sùng ở Hạ Long bắt nguồn từ tiếng Hán “sá sùng” có nghĩa là một loài giun cát. Tuy nhiên, chẳng ai còn nhớ cái tên đó bắt đầu có từ khi nào.
Sá sùng có nhiều giá trị dinh dưỡng như axit amin, glyxin, alanine, glutamin, succinic… và nhiều taurine, khoáng chất. Trong một số kết quả nghiên cứu gần đây của trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM còn cho biết, trong thịt sá sùng có chứa 17 nguyên tố khoáng, 8 loại axit amin không thay thế và 10 loại axit amin thay thế rất có ích cho cơ thể. Ngoài ra, theo các sách Đông y thì sá sùng có vị ngọt, tính mát, chủ trị tính tâm hàn và bổ dưỡng khí.
Sá sùng tươi có thể chế biến thành các món xào chua ngọt, chiên giòn nhưng ngon nhất vẫn là món nướng chấm tương ớt, muối tiêu chanh và làm gỏi. Tuy mới chỉ phổ biến gần đây, nhưng sá sùng nướng đã nhanh chóng trở thành một món mồi nhắm được các quý ông mê nhậu hết sức ưa chuộng. Sá sùng vừa giòn, mềm lại dai dai, béo bùi và ngọt nên càng ăn càng thấy ngon. Tuy nhiên, trước khi trở thành món ăn phổ biến như thế, từ lâu nhiều người đã biết sử dụng sá sùng khô như một loại “gia vị”.
Bí quyết này giúp nước dùng (nước lèo) ngon ngọt tự nhiên mà không cần hầm quá nhiều xương. Nhưng không hiểu vì lí do gì, bí quyết này đã bị lộ nên ngày nay hầu như quán phở, bún, hủ tiếu nào cũng biết. Chỉ cần rang vài gram sá sùng cho vào một túi lưới thả vào nồi nước lèo thì món ăn trở nên đậm đà hơn rất nhiều. Ngoài ra, nhiều gia đình cũng sử dụng sá sùng thay tôm cho các món canh rau dền, canh bầu… Mặc dù vậy, mùi tôm khô là mùi đặc trung của sá sùng do đó không nên lạm dụng chúng sẽ làm giảm hương vị riêng của thịt và xương hầm.
Khi đánh bắt nếu gặp ngày không nắng phải đem sấy ngay, khi sá sùng hơi khô lại tiếp tục vò nhẹ bên ngoài một lần nữa cho sạch cát. Sá sùng phơi khô hình dạng như miếng vỏ cây khô quăn queo có thể để lâu dùng dần hoặc nướng ăn rất ngon. Tuy nhiên, nếu muốn ăn ngay thì chỉ cần làm sạch cát và rửa với muối cho bớt nhớt, bớt tanh trước khi chế biến
Nhìn vẻ bề ngoài của sá sùng khi vừa bắt được ít người dám ăn món này, nhưng nếu thử qua một lần chắc chắn sẽ ấn tượng hơn cả món mực nướng quen thuộc. Vì thế, cho đến nay, những món chế biến từ sá sùng cũng trở thành thực đơn quan trọng trong nhiều nhà hàng hải sản. Cũng vì vậy, giá sá sùng khô đã đắt hơn nhiều so với trước kia (khoảng vài trăm ngàn một kilogam, đắt hơn cả mực khô). Tuy không còn phù hợp với những ai đang tìm kiếm một chuyến du lịch giá rẻ nữa nhưng món ăn này vẫn là một trong những điều thu hút du khách đến với Hạ Long