Để đăng ký được một tên miền hay và phù hợp với công việc kinh doanh của bạn, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau:
Loại tên miền:
Loại tên miền hay còn là phần mở rộng của tên miền phản ánh tính chất công việc của bạn. Bạn cần chọn đuôi mở rộng phù hợp với mục đích sử dụng website, ví dụ như nếu bạn cần có website cho công ty thì đuôi .com và là lựa chọn đúng nhất.
Nếu bạn đăng ký cho tổ chức nào đó không nhằm mục đích kinh doanh như là cho trường, lớp hay nhóm thì đuôi .org, .net, hay .info lại tốt hơn cả.
Nếu tài chính không phải là vấn đề đối với bạn thì việc đăng ký tất cả các đuôi mở rộng tới tên miền là việc làm khôn ngoan nhằm tránh nhầm lẫn sau này.
Và tất nhiên, nếu bạn đăng ký được cả tên miền quốc tế và Việt Nam là tuyệt nhất vì bạn sẽ bảo vệ được thương hiệu của bạn. Chi chí tên miền Việt Nam cao hơn nhiều lần so với tên miền Quốc tế nhưng bạn cũng nên cân nhắc về những lợi ích của nó có thể mang lại.
Cách đặt tên miền:
Tên miền nên đặt theo tên công việc và tính chất công việc của bạn là điều tất nhiên, ví dụ như công ty của bạn là Công ty TNHH THẾ GIỚI TÌM KIẾM thì tên miền thegioitimkiem.com là lựa chọn hàng đầu.
Tuy nhiên tên miền thegioitimkiem.com chỉ có một và thực tế có rất nhiều công ty trùng tên với bạn, và nếu bạn không thể đăng ký được thegioitimkiem.com thì bạn tiếp tục cân nhắc về tính chất công việc.
Ngoài ra, tên viết tắt hay tên giao dịch (bằng tiếng Anh) cũng là lựa chọn quan trọng, ví dụ như VINAD.COM – sẽ được hiểu là VIet NAm Development COMmunication hay VIet NAm ADvertisement và 2 cách hiểu này đều đúng.
Nguyên tắc đặt tên miền
Tên miền của bạn có thể dài tới 67 ký tự bao gồm chữ cái, số, và dấu gạch ngang (-).
Nhưng nếu bạn chọn được tên miền ngắn thì tốt hơn vì tên miền ngắn sẽ là hay và dễ nhớ hơn rất nhiều.
Tuy tên miền có thể bao gồm dấu gạch ngang (dấu này không thể đứng ở đầu hay cuối tên miền), nhưng bạn không nên chọn tên miền có dấu gạch ngang ở giữa bởi các tên miền dạng này sẽ rất khó nhớ, khó gõ trên bàn phím và hay nhầm lẫn.
Góc độ kỹ thuật:
Về mặt sử dụng và kỹ thuật thì mọi tên miền đều như nhau. Tuy nhiên trong thực tế thì sẽ tồn tại một số điểm khác biệt.
– Quản lý DNS: Việc quản lý DNS đối với tên miền Quốc tế sẽ dễ dàng hơn nhiều với tên miền Việt Nam vì mỗi tên miền Quốc tế đều có trang quản lý thông tin riêng cho phép bạn làm việc này. Tên miền Việt Nam thì chưa có, bạn cần liên hệ với nhà đăng ký mỗi khi cần đổi DNS
– Quản lý Name Server: Cũng như trên, nếu bạn dự tính trở thành một nhà cung cấp dịch vụ hosting hay muốn sử dụng DNS riêng, bạn nên đăng ký ngay một tên miền .COM và .NET.
Chi phí:
Chi phí cho các tên miền cùng loại như là tên miền Quốc tế là như nhau, bạn có thể đăng ký và duy trì với giá 8.5USD/1 năm.
Tuy nhiên, chi phí giữa tên miền Quốc tế và tên miền Việt Nam lại có một khoảng cách rất lớn, năm đầu tiên bạn sẽ mất tới 70USD cho 1 tên miền (35USD đăng ký, 35USD duy trì) và hàng năm sau bạn sẽ mất số tiền duy trì là 35USD (đã bao gồm cả chi phí quản lý DNS cho tên miền).
Chuyển nhượng:
Có thể bạn đang nghĩ tới trở thành một nhà kinh doanh tên miền bằng cách đăng ký thật nhiều tên miền hay, thật nhiều tên miền của các công ty có khả năng trở lên nổi tiếng và bán lại chúng.
Vậy bạn hãy nghĩ tới ngay tên miền .COM và một dịch vụ Đại lý tên miền nào đó để bạn có thể đăng ký tên miền với giá thấp nhất một cách nhanh nhất.
Theo: thietkeweb